Sau 16 ngày họp, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV kết thúc với tinh thần khẩn trương và khoa học. Hoạt động chất vấn về những vấn đề đang được người dân quan tâm là những điểm nhấn đáng chú ý. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kỳ họp Quốc hội được cử tri trong và ngoài nước dành sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao bởi sự đổi mới linh hoạt. Về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn Tiến sĩ Trần Lê Hưng, Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên BTC Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2021 ( Global VYSA). Tiến sĩ Lê Hưng từng là giảng viên tại Trường đại học công nghệ cầu đường Paris (École des Ponts ParisTech - ENPC).
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào Tiến sĩ Lê Hưng, là một cử tri trẻ, Anh theo dõi và có những quan tâm như thế nào về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV lần này?
TS Trần Lê Hưng: Trong thời gian sinh sống và học tập ở nước ngoài thì những hoạt động chính trị trong nước luôn là những hoạt động mà tôi quan tâm, bởi những hoạt động này luôn là những kênh chính thống, đưa ra tin tức chính xác. Tôi đánh giá cao công tác công khai, dân chủ đặc biệt tại các buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, luôn được phát trực tiếp trên nền tảng xã hội.
Bên cạnh đó, các kỳ họp Quốc hội cũng được công khai trực tiếp trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Từ khi về Việt Nam năm 2020, tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên tôi được thực hiện quyền cử tri qua lá phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, cũng như bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV. Đại biểu quốc hội là đại diện cho cử tri, góp tiếng nói chung để phát triển dựng xây đất nước và những hoạt động của họ luôn được người dân theo dõi sát sao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới thì việc họp Quốc hội, theo tôi chiếm được nhiều sự quan tâm đông đảo của đồng bào cử tri toàn quốc.
Tại kỳ họp quốc hội thứ nhất khóa XV, nơi đã hoàn thành toàn bộ nội dung về công tác nhân sự, tư cách đại biểu và diễn ra rất tốt đẹp thì kỳ hợp thứ 2 này sẽ chiếm được sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều người. Đây là nơi đưa ra những quyết sách, chiến lược đúng đắn, để cùng nhau chèo lái đưa nước ta phát triển bền vững, vượt qua đợt dịch bệnh Covid-19 này.
Toàn cảnh họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV |
PV: Vâng, vậy thì Anh nhận thấy ở 2 kỳ họp này có điểm mới, hay ấn tượng gì không về hình thức tổ chức cũng như chất lượng nội dung thảo luận, chất vất tại nghị trường.?
TS Trần Lê Hưng: Các điểm mới như chúng ta thấy là diễn ra theo 2 đợt. Đợt 1 là theo hình thức trực tuyến và đợt 2 là chất vấn tại chỗ. Đợt 1 diễn ra dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đã có rất nhiều thảo luận xung quanh vấn đề về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhằm đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Ngoài ra, phát biểu kết thúc chương trình Đợt 1 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua hình thức họp trực tuyến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành đúng tiến độ, toàn bộ nội dung chương trình, đảm bảo chất lượng các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến. Điều đó cho thấy rằng công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được triển khai rất tốt.
Tại đợt 2, nơi chất vấn 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm hiện nay, gồm: Y tế; lao động - thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo. Chúng ta có thể tìm thấy thông tin qua thông cáo báo chí trên trang web của Quốc hội Việt Nam. Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm tới những báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về nhóm vấn đề lao động thương binh và xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh về các nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19 như tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và giải quyết việc làm, sinh kế cho người lao động ở các tỉnh, thành khác trong cả nước khi người lao động đã trở về quê. Điều này cho thấy, việc tái cơ cấu nền kinh tế hay an sinh của người dân luôn là rất quan trọng của. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Quốc hội đề cập việc tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tiêu cực, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu đại dịch COVID-19.
Tôi cũng hy vọng rằng những gói cứu trợ này sẽ đến đúng và chính xác tới tay người dân, đặc biệt là công tác Tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Tôi cũng thấy một ý rất hay đó là việc đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong những người đã mất do đại dịch bằng hình thức trực tuyến. Việc này mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nhắc nhớ chúng ta về những hy sinh thầm lặng của các cán bộ chiến sỹ, bác sỹ vì sự an nguy của đồng bàocũng như sự khốc liệt của thảm họa y tế thế giới này.
PV: Được biết, Tiến sĩ Lê Hưng đại diện TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Vậy qua kỳ họp này, Anh mong muốn hay đề xuất gì cho những lần họp tới của Quốc hội?
TS Trần Lê Hưng: Là thành viên của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cũng như kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tôi cũng rất mong muốn Việt Nam phát triển, hòa nhập nhanh với thế giới, đặc biệt là về mảng công nghệ và sao cho chiến lược chuyển đổi số Quốc gia được lan tỏa, lan rộng tới tất cả mọi người. Mỗi người dân cùng có động lực thay đổi để đất nước chúng ta tiến nhanh hơn trên công cuộc chuyển đổi số này. Tuy nhiên, chúng ta cần có một cơ chế, định hướng rõ ràng, không ồ ạt, làm sao cả xã hội cùng nhau tạo ra những sản phẩm tối ưu hóa tính năng, đơn giản hóa cuộc sống phục vụ người dân. Chẳng hạn như mới đây, Chính phủ đồng nhất được các ứng dụng hiện có để cho ra đời ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 quốc gia ( PC- Covid).
TS Lê Hưng và các Đoàn viên thanh niên tiêu biểu tại sự kiện đóng góp vào văn kiện của Đảng XIII. Ảnh nvcc |
Khi đóng góp ý kiến của mình vào văn kiện Đại hội Đảng thứ XIII, tôi cũng nhấn mạnh rằng công nghệ cần phải đi sâu, thực chất và hiệu quả một cách có hệ thống và hoành chỉnh vào đời sống người dân hơn nữa.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn TS Lê Hưng về những chia sẻ của Anh.