Sinh hoạt Phật Giáo của người Việt tại Lào

Trần Tuấn, PV VOV tại Lào
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam và Lào có sự  gắn bó mật thiết với nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong sinh hoạt văn hóa tín  ngưỡng.

Người Việt Nam tại Lào hiện nay, có thể là lớp thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh sống trên đất Lào, cũng có thể là lớp trẻ lựa chọn cuộc sống mới. Họ có thể là những tri thức, doanh nhân hay đơn thuần chỉ là những người dân lao động bình thường. Thế nhưng, dù ở những ngành nghề nào thì những người dân Việt trên đất Lào cũng luôn có những hoạt động tôn giáo không chỉ hướng về quê hương mà còn góp phần tô đẹp văn hóa của người Việt trên đất nước Triệu voi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Bà Trần Thị Tuyết Anh thuộc thế hệ người Việt thứ 2 sinh sống tại Thủ đô Vientiane, Lào. Vốn là một tiểu thương tại Talad Sao (Tạ-lạt-sạu) (Chợ Sáng) – khu trung tâm thương mại lâu đời và lớn nhất tại Lào, bên cạnh việc bán hàng tại chợ, bà Tuyết Anh lại dành thời gian đến chùa tụng kinh, niệm Phật.

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, cuộc sống khó khăn khiến bà vất vả lo toan cho các em được ấm no nên đã quên đi hạnh phúc của mình, niềm vui lớn nhất của người phụ nữ này chính là khoảng thời gian tham gia sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi chùa.

Bà Tuyết Anh chia sẻ: "Khi nào rảnh thì mình lên chùa hoặc nhà chùa có việc là mình lên. Bởi vì bây giờ mình lớn tuổi rồi, chỉ có thời gian rảnh là đi chùa, ngày lễ ngày rằm ngày sắm hối thì đi chùa".

Sinh hoạt Phật Giáo của người Việt tại Lào - ảnh 1

Bà Trần Thị Tuyết Anh là thế hệ người Việt thứ 2 sinh sống tại Thủ đô Vientiane, Lào

     Cũng giống với bà Tuyết Anh, bà Nguyễn Thị Loan cũng là thế hệ người Việt thứ 2 sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu voi. Đối với bà Loan, khi con cái đã lớn và xây dựng gia đình riêng, thời gian rảnh lên chùa làm việc thiện để tu tâm tích đức cho con cháu đời sau. Bà Loan cho biết: Mình nghĩ mình làm những việc lành thì tâm mình nó lành, bất cứ chùa Việt hay chùa Lào có bảo mình đến phụ hoặc đi làm từ thiện thì mình cũng đi với các thầy, tâm mình sẽ an nhàn hơn". Đều là những người Việt thế hệ thứ 2 sinh sống tại Lào, có thể nói bà Tuyết Anh hay bà Loan  đều được tiếp xúc rất sớm với 2 luồng văn hóa, tôn giáo Việt - Lào. Bởi Việt Nam và Lào có sự gắn bó mật thiết với nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.

Sinh hoạt Phật Giáo của người Việt tại Lào - ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Loan cũng là thế hệ người Việt thứ 2 sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu voi.

Song song với việc sinh hoạt Phật giáo Việt Nam trên đất Lào, những người phụ nữ này cũng rất tích cực tham gia sinh hoạt Phật giáo tại các ngôi chùa Lào và ngày hôm nay, hai bà và những người bạn của mình sẽ đi chợ để chuẩn bị làm đồ ăn cúng dường và gửi cho các nhà sư đi khất thực. Bởi khác với chùa Việt, trong các ngôi chùa Lào, các nhà sư không ăn chay và cũng không nấu ăn. Bà Loan chia sẻ: "Đang nấu canh của Lào, món đặc sản của Lào là canh măng, người Lào gọi là canh nò-mạy, đây là đặc sản của người Lào, nấu để đem đi cúng dường ở chùa Lào".

Nghi lễ khất thực - Tak Bat là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào. Được bắt nguồn từ TK thứ 14, đây được xem là một khoảnh khắc độc đáo, rất xúc động và vô cùng thiêng liêng đối với người dân địa phương. Từ sáng sớm, các nhà sư khởi hành trên đôi chân trần, từ các ngôi chùa trong thành phố để nhận đồ ăn trong ngày từ người dân. Với những người Việt sinh sống tại Lào như bà Tuyết Anh, được tham gia nghi lễ khất thực là điều vô cùng ý nghĩa. Bà Tuyết Anh chia sẻ: "Tôi đi chùa Lào thì phần nhiều cứ đến buổi sáng là mình đi khất thực, còn buổi trưa mình làm các món ăn để cúng dường cho các chư tăng trên chùa".

 Đa phần người Việt Nam tại Lào khi học được ngôn ngữ Lào đều sẽ tham gia sinh hoạt tôn giáo tại cả chùa Lào và chùa Việt. Điều này đã thể hiện rất rõ sự đoàn kết hữu nghị giữa 2 quốc gia luôn được gìn giữ và phát huy qua những người Việt xa xứ.

Đại đức Phonesamay Simmale, Trụ trì chùa Naknhay, Thủ đô Vientiane, Lào cho biết: "Các tăng ni đến chùa với hy vọng gìn giữ tu đạo phật được lâu dài, lễ cúng dường còn có ý nghĩa con cái mang phúc cho bà con, họ hàng người thân đã khuất như ông bà, bố mẹ. Người Việt đi chùa này cũng rất đông, điều này cho thấy sự gắn bó mật thiết trong mối quan hệ Việt – Lào".

Sinh hoạt Phật Giáo của người Việt tại Lào - ảnh 3

Khi có thời gian rảnh, bà Tuyết Anh, bà Loan (phải ảnh) thường làm từ thiện tại nước sở tại.

Và cộng đồng người Việt tại Lào vẫn đang từng ngày dung hợp với nghi lễ văn hóa Phật giáo Lào song cội nguồn văn hóa Việt vẫn được gìn giữ và bảo tồn qua từng thế hệ với một lòng hướng về quê hương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu