Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

VOV5/BÙI HẰNG (TỔNG HỢP)
Chia sẻ
(VOV5) -Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 1Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc 16 tuổi ở Huế, sau khi ngài quy y. Ảnh: Tu viện làng Mai
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 2Thích Nhất Hạnh khi là một nhà sư trẻ (hàng sau, ngoài cùng bên phải) năm 1950. Ảnh: Tu viện làng Mai
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 3Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em đọc và viết bằng một bài hát về Bồ Tát năm 1964. Ảnh: Tu viện làng Mai
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 4Thích Nhất Hạnh bên Tiến sĩ Martin Luther King Jr. (bên trái) trong một cuộc họp báo ở Chicago (Mỹ), tháng 5/1966. Ảnh: Edward Kitch/AP

Cuộc đời thiền sư gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình nhưng năm đó không ai được trao giải.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết ông "đã không thể tin nổi" khi nghe tin King bị ám sát vào năm 1968. "Tôi nghĩ người Mỹ đã tạo ra King nhưng lại không bảo vệ được ông ấy. Tôi có chút tức giận vào thời điểm đó. Tôi không ăn, không ngủ. Nhưng quyết tâm làm việc, xây dựng cộng đồng vẫn tiếp tục".

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 5Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1973. Ảnh: Tu viện làng Mai

Năm 1966, Thiền sư rời Việt Nam, hoạt động ở nhiều nước. Ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp. Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

Ông tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp ôn hòa cho các mâu thuẫn. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người, theo Christian Science Monitor.

Tháng 5/2013, trong một buổi diễn thuyết kéo dài 3 giờ tại sân vận động ở Hàn Quốc, Thiền sư bàn về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc: "Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng".

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 6Thiền sư Thích Nhất Hạnh thỉnh chuông tại Làng Mai (Pháp), năm 2009. Ảnh: plumvillage.org
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 7Thiền sư dẫn đầu thiền hành với cộng đồng của mình tại Làng Mai, tháng 6/2014. Ảnh: Tu viện làng Mai
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 8Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, Thiều sư Thích Nhất Hạnh lần đầu về Việt Nam vào năm 2005, tiếp đó trong các năm 2007 và 2008. Ảnh: Paul David/Touching Peace Photography
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 9

Thiền sư trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018. Sau một cơn đột quỵ vào tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chuyển đến Thái Lan để tham gia cùng các đệ tử trẻ từ Việt Nam tại trung tâm thiền làng Mai Thái Lan mới của mình. Ảnh: Tu viện làng Mai

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 10

Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về Tổ đình Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, Thành phố Huế, nơi ngài xuất gia tu học. Ông cho biết tâm niệm tịnh dưỡng ở ngôi chùa này đến khi viên tịch. Ảnh: Võ Thạnh

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 11

Ngày mồng 1 Tết Kỷ Hợi 2019, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp các phật tử lễ chùa đầu năm. Ảnh: Võ Thạnh

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 12

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong ngày mồng Tết năm Tân Sửu 2021 tại thất Lắng nghe, Tổ đình Từ Hiếu. Lúc này, sức khỏe của ông đã yếu. Ảnh: Võ Thạnh

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 13

Thất Lắng Nghe thuộc Tổ đình Từ Hiếu là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, sáng 22/1. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. 

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 14Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho hàng chục nghìn người. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết ra năm 2009. Huffington Post hồi cuối năm 2012 gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là "con người điềm đạm nhất thế giới".

Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - ảnh 15Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm thư pháp và 145 đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam tháng 4/2021. Ảnh: Hà Tùng Long

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu