Nỗi nhớ Tết Việt

Việt Nga/VOV-Australia
Chia sẻ
(VOV5) - Tết là một dịp vô cùng đặc biệt với tất cả mọi người dân Việt Nam. Khi ở xa quê, Tết càng trở thành một điều thiêng liêng, là nỗi khắc khoải mỗi khi người ta nhớ về.

Trong hai năm vừa qua, vì dịch Covid-19 bùng phát nên nhiều bạn trẻ sinh sống tại Australia không thể về thăm gia đình đúng dịp này nên nỗi nhớ Tết Việt cứ vẫn kéo dài.

Nỗi nhớ Tết Việt - ảnh 1

Nguyễn Đặng Thanh Hưng (ngoài cùng bên trái) đón năm mới 2022 cùng bạn bè. (Nguồn: Nhân vật cung cấp)

Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt và là dịp đoàn tụ gia đình, con cháu khắp bốn phương. Mặc dù phong tục đón Tết ở trong Nam, ngoài Bắc và cả khu vực miền Trung có những nét đặc trưng riêng song không khí hối hả, lo toan, tất bật, niềm vui của các cuộc gặp gỡ.... thì nơi nào cũng vậy. Bởi vậy, với những người không được đón Tết tại Việt Nam thì nỗi nhớ không khí đón Tết luôn in đậm trong tái tim.

Bạn Nguyễn Đặng Thanh Hưng bắt đầu sang Australia học tập tại bang New South Wales từ năm 2016. Trong 4 năm tiếp theo đó, năm nào bạn cũng về nhà đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và Australia đóng cửa biên giới vào 3/2020 thì Hưng không thể về nhà đón Tết. Mặc dù ở xa nhà và khoảng cách địa lý với gia đình đã được rút ngắn phần nào nhờ các cuộc nói chuyện trực tiếp với bố mẹ, anh chị tuy vậy Hưng cho rằng, không gì có thể bù đắp được không khí đón Tết với gia đình.

“Em rất nhớ không khí cả nhà cùng nhau dọn dep chuẩn bị đón Tết. Mấy năm trở lại đây, cứ tối 30 lại gọi điện Facetime nói chuyên với gia đình vào tối giao thừa. Nhưng vẫn nhớ không khí, nhớ cảm giác mọi người cùng ngồi với nhau, cùng chào đón năm mới hơn”, anh Hưng nói.

Nỗi nhớ Tết Việt - ảnh 2

Lê Quang Minh (ngoài cùng bên trái) nếu ăn cùng bạn bè. (Nguồn: nhân vật cung cấp)

Không chỉ nhớ các cuộc gặp mặt gia đình, bạn Lê Quang Minh đang sinh sống tại bang Queensland còn nhớ cả bầu không khí quan tâm lẫn nhau của gia đình mình mỗi khi cả nhà quây quần cùng nhau dọn nhà đón Tết. Mặc dù chẳng thích dọn dẹp nhà cửa nhưng dọn nhà đón Tết lại mang lại những cảm xúc đặc biệt khiến bạn lưu luyến mỗi khi đón Tết xa nhà.

“Em nghĩ đó là cơ hội để quây quần cùng gia đình. Em nghĩ việc lau dọn cho năm mới thì em không thích, thực ra chẳng ai thích nhưng mà vì thời gian dành cho gia đình, người thân, nói chuyện với bố mẹ về kế hoạch năm mới định làm thế này, định làm thế kia. Em đi du học cả năm mới về nên anh trai hay kể là năm vừa rồi anh làm gì, mọi người cũng kể là đã làm gì, thì đó mới là cái quý giá”, bạn Minh bày tỏ.

Nhắc đến Tết thì sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến các món ăn truyền thống nhân dịp này. Vì vậy, không được đón Tết cùng với gia đình ở Việt Nam thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều bạn không được thưởng thức các món ăn truyền thống do chính tay mẹ và bà nấu vào mỗi dịp Tết. Lê Quang Minh cho biết, cứ đến dịp Tết là lại rất nhớ các món ăn Việt Nam như nem rán, xôi, canh mọc, canh bóng và cả các món xào. Trong đó, với bạn, món nem rán mẹ làm luôn là ngon nhất.

Không được đón Tết cùng với gia đình, các bạn trẻ sống xa quê luôn cố gắng xắp xếp thời gian để gặp mặt nhau vừa trò chuyện vừa nấu những món ăn truyền thống để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Nỗi nhớ Tết Việt - ảnh 3

Lê Quang Minh (ngoài cùng bên trái) nếu ăn cùng bạn bè. (Nguồn: nhân vật cung cấp)

Với Lê Hà Anh, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Tasmanisa, năm nay là cái Tết thứ 3 xa nhà. Bạn nhớ lại, có năm gọi điện thoại về thấy bố mẹ đang ở quê, được ngồi ăn cơm cùng với gia đình, họ hàng thì bạn lại thấy rất tủi thân khi đang một mình sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, rất may, Lê Hà Anh lại chơi chung với một nhóm các anh chị nên mọi người cũng hay gọi điện thoại hỏi thăm và gặp gỡ nhau nên cũng cảm thấy ấm áp hơn. Năm ngoái, nhóm bạn của Lê Hà Anh còn gặp mặt và nấu rất nhiều các món ăn truyền thống ngày Tết từ Bắc vào Nam khiến cho bạn vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà.

Tết là dịp để trở về với gia đình, nguồn cội nhưng với nhiều người con đất Việt sống ở nước ngoài, Tết mang đến nỗi nhớ khắc khoải, nỗi nhớ về quê hương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu