Thủ tướng Phạm Minh Chính tự hào về người Việt Nam tại A-rập Xê -út

Chia sẻ

(VOV5) - Nhân dịp dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Vương quốc Ả-rập Xê-út, tối qua (29/10) tại Thủ đô Riyadh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các kỹ sư Việt Nam tại Ả-rập Xê-út.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tự hào về người Việt Nam tại A-rập Xê -út - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các kỹ sư đang làm việc tại Saudi Arabia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của người lao động Việt Nam khi làm việc xa Tổ quốc, xa gia đình, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19, xung đột ở nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất… Thông tin với các đại biểu về quan hệ Việt Nam - Ả-rập Xê-út, Thủ tướng đánh giá tiềm năng quan hệ với khu vực Trung Đông - châu Phi và Ả-rập Xê-út còn rất lớn, chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, gần đây và ngay trong chuyến công tác này, Việt Nam và Ả-rập Xê-út sẽ tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi đoàn các cấp, hướng tới nâng tầm quan hệ, đàm phán hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, từ đó đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác lao động và hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, sản phẩm Halal… Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam làm việc tại Ả-rập Xê-út.

Theo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không cần nghiên cứu triển khai đường bay thẳng tới khu vực Trung Đông để tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu. Thủ tướng cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị liên quan có chương trình, triển khai bài bản các hoạt động đào tạo, đưa lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út; người lao động tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đoàn kết, tương thân tương ái, vượt qua các khó khăn, thách thức để vươn lên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu