Được trở về với quê hương nguồn cội, cây đa, bến nước, sân đình, với quán lá bên sông, với chiếc chõng tre bày bán bánh đa, bánh đúc… là ước mong, khát vọng cháy bỏng của bà con gốc Việt tại Thái Lan. Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, những người đã từng được trở về Việt Nam hay người chưa về được đều cảm thấy tự hào: mình là người gốc Việt. Họ đoàn kết và chung tay làm những điều từ nhỏ nhất cho tới những việc lớn lao để cùng góp phần gìn giữ văn hóa, phong tục, lịch sử Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Việt Nam đến Thái Lan lần đầu sẽ đều ngạc nhiên trước sự xuất hiện của món ăn Nem Nướng VT đậm chất Huế có mặt ở nhiều nơi trên xứ sở Chùa Vàng. Những viên thịt lợn nướng thơm vàng, béo ngậy, quấn với các loại rau xanh, chấm nước chấm pha theo truyền thống Việt là lựa chọn hàng đầu của đa số người dân bản địa và du khách, bên cạnh các món ăn truyền thống của Thái cay nóng và ít rau xanh.
Thỉnh thoảng, ông Hồ Văn Lâm đứng bán hàng cho khách - Ảnh: thanhnien.vn
|
VT Nem Nướng là thương hiệu của doanh nhân Việt kiều thế hệ thứ 2 Hồ Văn Lâm. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam. Ông Hồ Văn Lâm chia sẻ, ông là con thứ 3 trong gia đình thuần Việt. Bố ông người Huế, mẹ người Quảng Bình sang Thái Lan từ năm 1945 và có một cuộc sống đầy khó khăn. Gia đình trải qua nhiều nghề nhưng cuối cùng chọn ẩm thực, bởi đó là cách gần nhất để đưa văn hóa Việt ra thế giới. Nay toàn nước Thái có gần 100 cửa hàng, nhà hàng chuyên bán sản phẩm nem nướng VT của ông và trở thành một món ăn mà Hoàng Gia Thái Lan ưa thích.
Trung tâm ẩm thực và thương mại lớn nhất của ông đặt tại Udon Thani rộng 6ha có tổng mức đầu tư 30 triệu đô la Mỹ, cũng là nơi đặt trụ sở công ty với 300 nhân viên, mỗi ngày Trung tâm ẩm thực - mua sắm thu hút cả nghìn thực khách. Trước vẻ bất ngờ của chúng tôi khi thấy Trung tâm ẩm thực kết hợp với thương mại bán hàng Việt nam từ các mặt hàng thời trang: là quần áo, nón lá và đặc biệt là áo dài, cho tới các sản phẩm gia dụng Việt như: chén bát, đồ lưu niệm và đặt tên từng phòng ăn hạng VIP là: Sài Gòn, Hà Nội, Huế….? Ông Lâm cười nói: "Mình muốn giới thiệu tới người dân Thái và khách quốc tế rằng Việt nam không chỉ có món ăn ngon mà còn có những miền di sản, phong cảnh đẹp, có những địa danh mê đắm lòng người như: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long; là những tà áo dài thướt tha, nón lá yêu kiều; là tinh thần vươn lên của người Việt và đời sống văn hóa phong phú của người Việt. Xưa người Việt đi làm thuê vất vả để mưu sinh, thì nay vươn lên làm ông chủ, đóng góp vào sự phát triển chung cho đất nước Thái Lan và cho niềm kiêu hãnh, tự hào mình là người Thái gốc Việt".
Đặc sản nem nướng Việt trên đất Thái - Ảnh: thanhnien.vn
|
Anh Muathong cùng gia đình đi gần 100km đến đây chỉ để được ăn món Nem Nướng chính hiệu mà cả gia đình ông yêu thích từ nhiều năm qua, chia sẻ: "Mỗi lần tôi đến đây thưởng thức nem nướng VT tôi đều mua thêm về cho mọi người cùng ăn; mặc dù thức ăn Thái và Việt có khác nhau đôi chút, nhưng nem nướng đã gắn kết được hương vị đặc trưng của ẩm thực 2 nước VIệt Nam và Thái Lan. Nếu người Thái ăn cay, thì nem Việt có rau ăn kèm rất bổ và thú vị; khi ăn có nhiều điểm tương đồng. Chúng tôi còn mua cả áo dài, nón lá Việt Nam, giò chả về tặng người thân, bạn bè. Họ đều rất thích thú và ấn tượng với các sản phẩm Việt Nam".
Mỗi doanh nhân Việt trên đất Thái có cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều chung một khát khao và niềm tự hào: chúng tôi là người Thái gốc Việt Nam! Ông Lương Xuân Hòa là một doanh nhân như vậy. Là chủ một thương hiệu Tôn lợp nổi tiếng trên khắp nước Thái, với nhân viên lên tới chục nghìn người. Kinh doanh ăn nên làm ra, ông bất ngờ chuyển giao cho các con của mình điều hành doanh nghiệp, còn ông lùi lại phía sau để chú tâm vào công tác gắn kết cộng đồng Việt và là Chủ tịch Hội người Việt ở Udonthani. Tư gia ông là căn biệt thự rộng hơn 1 nghìn m2 nằm trên con phố đắt đỏ nhất của tỉnh. Ông cho xây dựng một hội trường trong nhà để làm nơi hội họp, sinh hoạt của các thành viên Hội người Việt và tiếp đón cộng đồng Việt kiều vào những ngày lễ trọng của đất nước.
Ông Lương Xuân Hòa (ở giữa) chụp ảnh cùng các nhà sư và các doanh nhân kiều bào về thăm Việt Nam - Ảnh: Phạm Thuận/TG&VN
|
Ông Hòa cho biết: "Người Việt Nam ở Thái Lan có trên 126 năm, từ khi thành lập tỉnh Udon đã có người Việt. Bác Hồ đã qua Udon Thani thì Bác dạy bảo chúng ta phải luôn hướng về Tổ quốc và giữ gìn bản sắc dân tộc, đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương. Đến hôm nay chúng tôi luôn làm theo điều đó, mình là người con xa quê nương, tổ quốc, vẫn là máu mủ của Việt, máu Việt vẫn chảy trong thân thể chúng ta, chúng ta phải luôn nhớ. Mỗi năm các ngày lễ tết chúng ta vẫn ăn tết, làm phở gắn bó để không phai nhạt bản sắc văn hóa của người Việt Nam".
Nghĩ là làm, ông Lương Xuân Hòa cùng Việt kiều ở đây tìm lại dấu tích chùa cổ người Việt từng xây dựng rồi đầu tư thêm hàng trăm tỉ đồng để xây cất mở rộng khang trang, lấy tên là Chùa Khánh An, làm nơi người Việt sinh hoạt tín ngưỡng. Đây cũng là ngôi chùa Việt duy nhất ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Cạnh chùa là các lớp học tiếng Việt. Cách thức mở đầu mỗi buổi học cũng rất đặc biệt. Khi bản Quốc ca vang lên, cô giáo và các học trò đủ mọi lứa tuổi đứng dậy trang nghiêm tay phải đặt lên ngực hát bài Quốc ca đầy hào hùng và xúc động. Và tiếp đó là các cháu học sinh đọc 5 điều Bác Hồ dạy:
Bà Hoàng Thị Lý (62 tuổi), sinh ra ở Thái Lan, chia sẻ: "Tôi học tiếng Việt từ nhỏ đến hết lớp 7, khi con cái đi học thì tiếp tục học chữ Thái, giờ có cơ hội quay lại học chữ Việt thì tôi vào học thêm. Bản thân đi học rồi tôi cũng khuyên các con phải đi học tiếng Việt và giữ lấy tiếng mẹ đẻ. Lứa của tôi về truyền thống, phong tục tập quán vẫn luôn nhớ nhưng đến thế hệ con cháu thì tôi phải dạy bảo từ từ".
Thầy Vũ Văn Đon, người nhiều năm dạy tiếng Việt ở Udon cho biết, khoảng thập niên 60 đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, ở Thái Lan chính quyền sở tại cấm đoán, không cho truyền dạy tiếng Việt. Nhưng thế hệ thầy cô giáo Việt Kiều ở Udon vẫn bám làng, truyền ngọn lửa yêu nghề, yêu tổ quốc, quyết giữ cho được chữ viết, tiếng Việt trên đất Thái. "Tiếng Việt còn thì người Việt còn, người việt còn thì tổ quốc việt nam còn. Chúng tôi ở đây luôn cố gắng hết sức để con em thế hệ thứ 3, thứ 4 đều biết tiếng mẹ đẻ" - Thầy Đon chia sẻ.
Các em học sinh gốc Việt tại Udonthani biết đọc những bài thơ tiếng Việt
|
Tại tỉnh Udonthani cũng là nơi có khá nhiều công trình văn hóa, di tích Việt Nam được các thế hệ Việt kiều ở đây chung tay xây dựng. Đó là ngôi chùa Việt mang tên Khánh An, là khu di tích Chủ tịch HCM tại làng Nỏng Hang ở xã Xiêng Phin đúng tại nơi ghi dấu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với bí danh Thầu Chín hoạt động cách mạng nơi đây những năm 1928-1929.
Đó là Đền Trần Hưng Đạo được cộng đồng người Việt xây dựng tại đây từ những năm 1960 với ban thờ Đức Thánh Trần, Ban thờ Chủ tịch HCM, ban thờ Mẫu như nhiều ngôi Đền trên quê hương Việt Nam. Đây cũng chính là những nơi để cộng đồng người Việt sinh hoạt định kỳ và thực hành văn hóa, tín ngưỡng vào những ngày lễ trọng của đất nước như: ngày Quốc khánh, ngày sinh, ngày mất Chủ tịch HCM, ngày tết cổ truyền, ngày giỗ Đức thánh Trần.
Lễ khai trương biển tên tiếng Việt chùa Khánh An, ngày 9/2/2016 - Ảnh: daidoanket.vn
|
Đưa chúng tôi vào dâng hương đức thánh Trần tại đền, ông Trần Văn Độ, người quê gốc Quảng Bình năm nay 78 tuổi cho biết: "Kiều bào đến Đền để thắp hương cầu chúc phúc cho gia đình, anh em, đền trước đây từ ngày có hội thì ngày càng đông đúc lên, phát triển lên. Hàng năm đến thắp hương, cầu chúc sức khỏe cho gia đình. Đền duy trì văn hóa của Việt Nam mình. Tất cả mọi người lứa tuổi cao hay kế tiếp về sau là phải vào đền để giữ phong tục VN mình ở trên đất Thái. Nói về sự đoàn kết, hướng về tổ quốc là số 1: rất đoàn kết, 1 lòng 1 dạ hướng về tổ quốc. Sự đoàn kết này duy trì mãi mãi hướng về VN. Hàng ngày phải dạy con học tiếng việt, để giữ linh hồn đất nước VN, còn người Việt phải có tiếng Việt, ở trong máu mình".
Với những nỗ lực không mệt mỏi của bà con Việt kiều nơi đây, sự đoàn kết giữa người Việt với người dân bản địa, Chính quyền sở tại đã dành nhiều thiện cảm cho kiều bào và tôn trọng, vinh danh những nét văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực của người Việt. Chia tay người Việt ở Udonthani, nghe văng vẳng tiếng trẻ em, người già đọc vần tiếng Việt ở trường Khánh An giúp chúng tôi cảm nhận được rằng, có dòng máu Việt chảy trong huyết quản của người Việt nơi đây và chắc chắn sẽ tiếp nối những thế hệ cha ông, luôn hướng về quê cha đất tổ. Họ như những cánh chim phương xa luôn hướng về Đất Mẹ.