Công ty Bonbouton của một nhà sáng lập trẻ người Việt – tiến sĩ hóa học Linh Lê (tên đầy đủ là Lê Tùng Linh) thành lập ở New York, đang đi những bước đi đầu tiên để đưa công nghệ cảm biến tiên tiến vào việc chăm sóc sức khỏe con người.
Tiến sĩ Lê Tùng Linh đang thuyết trình tại một diễn đàn về công ty Bonbouton. |
Hiện nay, công ty Bonbouton đang phát triển một thiết bị cảm biến mang tên “giày thông minh” cho người bị tiểu đường nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ hoại tử ở bàn chân của bệnh nhân. Giày được sử dụng công nghệ nano để thu thập dữ liệu liên tục, kết nối với điện thoại của bệnh nhân và trực tiếp gửi thông tin cho bác sỹ, cũng như người nhà bệnh nhân nếu có biểu hiện sớm của quá trình hoại tử.
Đội ngũ Bonbouton năm 2017. |
Tiến sĩ Lê Tùng Linh nhớ lại: “Công ty Bonbouton thành lập từ năm 2014. Lúc đó tôi cũng chưa biết công ty sẽ đi về đâu. Vì một trong những vấn đề đầu tiên tôi muốn làm chỉ là thương mại hóa khoa học và công nghệ, phát triển nghiên cứu tôi đã làm trong luận án tiến sĩ. Nhưng càng về sau khi hoạt động kinh doanh, tôi thấy nhiều khi những công ty lớn hoặc những nhà đầu tư họ không đầu tư vào công nghệ mà đầu tư vào sản phẩm và họ đầu tư vào dịch vụ. Lúc đó tôi mới nghĩ làm sao có thể đưa công ty này có một hướng đi riêng, vừa phát triển khoa học công nghệ vừa tạo được dịch vụ cho người sử dụng, và đặc biệt là hướng tới thiết bị y tế. Là người sáng lập của công ty, tôi biết là tôi có thể tạo được dấu ấn, và từ đó từng bước học hỏi, có thể thiết lập được 1 cái platform cho những người tiểu đường tốt hơn. Tôi nghĩ công ty Bonbouton có thể thành một “plafform technology” (công nghệ nền tảng) để có thể giúp đỡ người tiểu đường, có thể ngăn chặn sự hoại tử của lòng bàn chân và do đó có thể giúp bệnh nhân tiểu đường có thể sống được tốt hơn.”
|
Công nghệ cốt lõi được ứng dụng tại Bonbouton đã được phát triển trong thời gian Linh Lê làm tiến sĩ tại Viện Công nghệ Stevens ở phòng thí nghiệm của Giáo sư Woo Lee. Vật liệu nano được Linh Lê quan tâm là graphene, một dạng carbon cực kỳ mỏng với độ linh hoạt cao, có cùng độ bền như kim cương, tính linh hoạt cao, tính dẫn điện và nhiệt, được xem như là một chất thay thế cho silicon và các kim loại quý. Sau khi hai nhà nghiên cứu graphene tại Đại học Manchester nhận được giải Nobel năm 2010 về vật lý, graphene được ứng dụng vào những tiến bộ mới trên nhiều lĩnh vực.
Với Lê Tùng Linh, nghiên cứu của anh ban đầu chú trọng vào những tính năng mới của vật liệu graphene trong ứng dụng cảm biến sử dụng công nghệ in nano. Anh nắm giữ 7 bằng sáng chế của Hoa Kỳ liên quan đến ứng dụng cảm biến sử dụng công nghệ in nano trong vật liệu này. Nhưng sau này, Linh chú ý tới những ứng dụng thực tiễn của công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Chàng trai cựu sinh viên chuyên hóa, khóa 6 cử nhân tài năng của Đại học Tổng hợp Hà Nội Lê Tùng Linh cho biết, ý tưởng nảy sinh khi anh nghĩ tới việc y tế dự phòng sẽ giúp con người giảm được rất nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe, nhất là từ việc người cha thân yêu của anh cũng qua đời mà không được phát hiện bệnh sớm.
Nghiên cứu khoa học, làm kinh doanh, nhưng Lê Tùng Linh cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. |
Thời kỳ đầu, Linh cùng giáo sư hướng dẫn và bạn bè sáng lập công ty Bonbouton tại New York - với hy vọng đưa ứng dụng công nghệ nền tảng về graphene vào lĩnh vực phòng ngừa và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Nếu thành công, sản phẩm này sẽ được kiểm định bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại Hoa Kỳ: “Hiện tại bây giờ công ty Bonbouton của tôi đang phát triển công nghệ ngăn chặn hoại tử bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường, đang được thử nghiệm trên bệnh nhân tại Mỹ. Và sắp tới công ty sẽ làm một số thử nghiệm lâm sàng. Sau khi thử nghiệm lâm sàng xong, nếu sản phẩm được đón nhận rộng rãi bởi giới khoa học và thương mại thì mình sẽ đưa sản phẩm ra bán trực tiếp.”
Dự án Bonbouton từ những ngày đầu phát triển đạt giải Next Top Makers của Chương trình phối hợp về phát triển kinh tế của thành phố New York dành cho các công ty khởi nghiệp năm 2016 và lọt vào vòng bán kết cuộc thi Google Solve for X (Dự án dành cho những ý tưởng ( think tank) do Google đưa ra nhằm khuyến khích hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu) năm 2015. Năm 2017, công ty cũng đã thắng ở một số giải quốc tế như Wearable Technologies Smart Clothing, 2017 tại Munich, và gần đây hơn là chung kết cuộc thi Ứng dụng y tế tại New Orlean tháng 3, 2018 và giải nhì tại T1D (Hiệp hội tiểu đường tuýp 1).
Hành trình của Linh Lê cũng đã trải qua nhiều bước biến động, nhưng nhà khoa học trẻ có niềm tin sắt đá vào công việc của mình: “Khởi nghiệp là cực kỳ khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Khó không có nghĩa là không thú vị. Tôi nghĩ khởi nghiệp thì không thế tránh khỏi rất nhiều đêm mất ngủ, ngay trong một ngày cảm xúc cũng có lúc lên cao xuống thấp. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Nhưng tôi nghĩ điều đó phù hợp với tính cách của tôi. Khi tôi đã quyết tâm làm cái gì, thì tôi sẽ làm đến cùng. Và đi đến cùng, nếu có thất bại thì tôi cũng sẽ học được rất nhiều trong khoảng thời gian làm khởi nghiệp này. Sau khi tôi làm khởi nghiệp, tôi có một network của rất nhiều người đã từng giúp đỡ và đã biết đến công ty của tôi. Và nếu công ty này không thành công tôi hoàn toàn có thể làm được về một công ty khác, với một ý tưởng khác.”
Lê Tùng Linh cùng các đại biểu ham quan gian hàng trưng bày khởi nghiệp tại Diễn đàn kết nối Start-up 2017 do Bộ ngoại giao,Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và TPHCM tổ chức. |
Trong mấy năm qua, Linh Lê tập trung vào phát triển công nghệ, kêu gọi nguồn vốn và từng bước thiết lập đối tác, xây dựng đội ngũ nhân viên . Anh cho biết, công ty đang kêu gọi thêm vốn đầu tư để hoàn thành nghiên cứu sản phẩm, chuẩn bị cho sản xuất đại trà và cân nhắc quá trình bán hàng. Theo kế hoạch, Bonbouton sẽ bắt đầu dự án ở Việt Nam vào nửa cuối năm 2018 và tìm kiếm thêm đối tác trong nước để mở rộng thị trường ngoài Hoa Kỳ kể từ năm 2019.
Con đường của Linh Lê với Bonbouton phần nào cho hình dung về ý chí của một thế hệ cựu du học sinh người Việt mới, ở nước ngoài, khi họ trăn trở tự tìm con đường đi riêng của mình, phát triển sự nghiệp cá nhân nhưng cũng đồng thời hướng mục tiêu cao nhất tới chất lượng sống chung của cộng đồng.