Nguyen Francis Tuan Anh là Giám đốc Phát triển và Truyền bá công nghệ tại Microsoft Vietnam (2012 -2017) và hiện là chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và phát triển phần mềm tại Mỹ và Việt Nam, đóng góp vào thành công của 3 công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Sillicon và đồng thời xây dựng một số công ty khởi nghiệp của riêng mình tại Việt Nam. Nguyen Francis Tuan Anh trả lời phỏng vấn về con đường trở về và đóng góp cho quê hương Việt Nam.
Ông Nguyen Francis Tuan Anh |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Câu hỏi đầu tiên mà tôi tin là cũng đã có rất nhiều người hỏi khi anh về đây làm việc, đó là: Tại sao anh lại lựa chọn trở về Việt Nam?
Nguyen Francis Tuấn Anh: Sau khi qua Mỹ năm 1975, tôi luôn có một ý tưởng trong đầu là khi lớn lên tôi sẽ trở về Việt Nam để giúp xây dựng ngành công nghệ thông tin của Việt Nam. Tôi nghĩ là kiến thức mà tôi học được ở nước ngoài sẽ giúp được rất nhiều cho việc xây dựng ngành này ở Việt Nam. Đó là lý do thực sự khiến tôi về Việt Nam. Và tôi cũng không lấy vợ cho đến khi tôi về. Vì tôi có một số người bạn nói, nếu mà tôi lấy vợ nước ngoài, bên Mỹ chẳng hạn, thì vợ tôi sẽ không theo tôi về Việt Nam!
PV: Đến thời điểm nào việc trở về Việt Nam thực sự diễn ra với anh?
Nguyen Francis Tuấn Anh: Trong quá trình đi làm, tôi luôn luôn ước mong là có một ngày nào đó, một công ty nào đó sẽ gửi mình về Việt Nam để thực hiện ước mơ của mình. Và thực sự ước mơ đó xảy ra vào ngày…
À trước đó năm 1995 tôi cũng về Việt Nam cùng gia đình, thì thấy rằng Việt Nam có thể trở thành một nơi làm về software outsourcing (gia công phần mềm) cho những công ty nước ngoài.
Đến năm 2002 công ty tôi làm mới quyết định xóa bỏ toàn bộ bộ phận lập trình ở San Francisco. Và đúng Giáng sinh năm 2001 họ gởi tôi về Việt Nam. Tôi có 7 ngày hợp tác với một công ty ở Việt Nam có tên là TMA Solutions để tạo một đội. Đúng 7/1/2002, ông Phó Chủ tịch của công ty đó về Việt nam ký hợp đồng với TMA. Và sau đó ngày 14/1 là họ đóng cửa hoàn toàn mảng lập trình viên ở San Francisco.
Dự án này Việt Nam phải đấu tranh với hai công ty Ấn Độ - một công ty đứng hàng thứ 5, một công ty đứng hàng thứ 9, thì TMA đã thắng. Việc thắng cuộc này đã được đưa lên trang báo của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco.
Đây là điều tôi rất vinh dự, vì bước đầu tiên khởi điểm ở Việt Nam, tôi đã thành công trong việc góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.
PV: Nghĩa là anh đã xây dựng được một đội ngũ mới để làm việc trong ngành này, phải không thưa anh?
Nguyen Francis Tuấn Anh: Đúng rồi. Tôi gây dựng nguyên một đội ngũ đó. Tôi là nhân viên nước ngoài gửi về, và khoảng chừng 40 nhân viên TMA làm việc với tôi, và mô hình làm việc rất khác vì trả tiền theo năm chứ không phải trả theo giờ hay theo tháng nữa. Thành ra Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ có đăng bài lên đây là offshore development centre (Trung tâm gia công phần mềm) đầu tiên của nước ngoài tại Việt Nam, phối hợp chuyên gia nước ngoài với nhân viên của TMA Solutions.
PV: Như anh nói là, anh trở về và làm công ty đầu tiên có yếu tố nước ngoài như thế, đối với anh có xảy ra chuyện sốc văn hóa không, vì môi trường làm việc ở Mỹ hoàn toàn khác với môi trường làm việc ở Việt Nam?
Không. Thực sự thì cách làm việc khác thôi. Nhưng cách làm việc đó phụ thuộc vào văn hóa của công ty. Mà công ty TMA Solutions do anh Lệ là một Việt kiều Canada thành lập từ năm 1988 thì văn hóa của nó cũng rất khác biệt rồi, thành ra khi làm việc với đội ngũ kỹ sư phần mềm của TMA Solutions thì không có sự sốc lắm, vì họ cũng quen với văn hóa làm việc nước ngoài rồi.
PV: Có thể nói là quá trình làm việc tại Việt Nam của anh cũng đã tạo rất nhiều dấu ấn. Anh có thể điểm lại cho thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam những nét cơ bản trong công việc của mình?
Nguyen Francis Tuấn Anh: Tôi chỉ làm cho 3 công ty từ 2002 đến giờ. Đầu tiên là công ty nước ngoài nhưng phối hợp với TMA để làm, nhưng sau đó năm 2004 công ty đó chỉ còn giữ lại bộ phận ở Ailen thôi. Lúc đó tôi định về Mỹ. Nhưng đơn vị (trước khi tôi về Mỹ có tới phỏng vấn, nhưng tôi chọn về Việt Nam để lấy kinh nghiệm giúp xây đựng đất nước), họ nói: Thực sự chúng tôi chưa có ý định tổ chức công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, nhưng bây giờ anh ở đó thì anh nên ở lại.
Và Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty đó cùng tôi xây dựng công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam (). Công ty đó xây dựng từ 2004 và tôi điều hành nó đến 2011, 7 năm trời, khoảng 70 nhân viên chịu trách nhiệm hoàn toàn về kỹ thuật, lập trình của công ty mẹ, cũng như quan sát hệ thống production của công ty mẹ. Đây là công ty đứng hàng thứ 5 nước Mỹ về quảng cáo online. Trong quá trình đó tôi học được rất nhiều, vì thật sự lần đầu tiên tôi điều hành 1 công ty 100% vốn nước ngoài. Chỉ trong việc điều hành đó tôi tạo công ăn việc làm cho rất nhiều kỹ sư phần mềm Việt Nam, và hầu hết các kỹ sư đó bây giờ là giám đốc hoặc tổng giám đốc của rất nhiều công ty (Netblue Vietnam là tên công ty hồi đó). Và sau đó thì tôi vào Microsoft luôn.
PV: Tại sao anh chuyển sang Microsoft?
Nguyen Francis Tuấn Anh: Bởi vì tôi nghĩ rằng, đối với một công ty bình thường mình chỉ có thể giúp được 70 người, nhưng nếu vào Microsoft mình có thể giúp cả ngàn người. Đó là lý do. Và khi tôi phỏng vấn với ông Giám đốc vùng của Microsoft ông có hỏi tôi là tại sao chọn Microsoft, thì tôi cũng trả lời rất thành thật, là chọn Microsoft vì muốn dùng Microsoft để xây dựng ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam. Sau cuộc phỏng vấn đó về nói chuyện với vợ tôi, tôi có nói không biết có được công việc này không, vì tôi trả lời quá thật. Nhưng cuối cùng tôi cũng được công việc này và làm việc cho Microsoft từ 2012 tới bây giờ.
PV: Có lẽ đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin mà anh đã gây dựng ngày hôm nay cũng như đang tiếp tục gây dựng là minh chứng cho câu trả lời này. Xin trân trọng cảm ơn anh.
Năm 2012, Nguyen Francis Tuan Anh gia nhập đội ngũ Lập trình trải nghiệm (DX) của Microsoft Việt Nam và là Trưởng nhóm tuyên truyền giúp tăng mức độ nhận thức và năng lực kỹ thuật cho các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft.
Năm 2015, ông thành lập Microsoft Accelerator đầu tiên với sự hợp tác của CLAS (Microsoft BizSpark Plus Network Partner) và Expara (Công ty Đào tạo Doanh nhân và Đầu tư mạo hiểm của Singapore) nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới.
Năm 2016, ông thành lập Microsoft Health Innovation Lab (HIL) với mục đích kết nối các công ty trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán. HIL cũng hỗ trợ liên kết công nghệ, đào tạo doanh nghiệp và hỗ trợ đầu tư mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
|