Doanh nhân Thạch Lê Anh là nhà đầu tư mạo hiểm và chuyên gia cao cấp về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực xây dựng doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển thị trường, thương mại hoá công nghệ và kỹ năng lãnh đạo. Chị cũng là cố vấn cao cấp cho Chính phủ trong việc thiết kế, triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Việt Nam Silicon Valley (VSV) ra đời với mong muốn của những người sáng lập là đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ đồng thời là thị trường tiềm năng thu hút nguồn tài chính đầu tư mạo hiểm và nguồn lực chất xám.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Chị Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án VSV trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí bên lề Diễn đàn Startups Việt 2018. |
Chị Thạch Lê Anh, người đồng sáng lập Vietnam Startup Foundation và Vietnam Silicon Valley Accelerator kể lại, từng có mấy chục năm làm trong việc kinh doanh, tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp, nhưng thời kỳ khủng hoảng kinh tế khoảng đầu những năm 2000, chị đã rất đau lòng khi nhiều khách hàng tìm đến tư vấn mà không thể giúp gì được, vì họ đã phải vay vốn kinh doanh với lãi suất cao không thể trả nổi. Nung nấu khát vọng xây dựng môi trường kinh doanh mới và thúc đẩy mở rộng thị trường vốn, chị nghĩ đến việc hình thành VSV: “Từ đó tôi có một trăn trở, làm thế nào để các doanh nhân Việt Nam không phải huy động vốn vay, vì vốn vay rất nguy hiểm. Đó là mong muốn duy nhất của tôi khi làm đề án này.”
Với Thạch Lê Anh, Việt Nam Silicon Valley là nền tảng để thu hút các khoản đầu tư, sẽ trở thành cầu nối với các tổ chức quốc tế có mong muốn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đến gần hơn với giới khởi nghiệp non trẻ. VSV sẽ từng bước hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo ra những khoản vốn mồi hỗ trợ các daonh nghiệp mới thành lập. Tháng 5/2013, Đề án VSV được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, khi không nhiều người tin rằng VSV được duyệt, vì hướng đi quá đột phá: “Vào thời điểm 2012 -2013 khi được phê duyệt đề án này, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng có nói với tôi: “Thấy em lúc nào cũng cười. Cái này khó như thế liệu có thành công không?” Đối với tôi, lúc đấy tôi lại cười và bảo: Anh cứ yên tâm, thế nào cũng thành công. Bởi vì mình không bao giờ đợi để có đầy đủ điều kiện mới làm, mà mình hãy bắt đầu làm, khi đấy là cái tham vọng, cái ham muốn, là động lực thúc đẩy để mình có thể vượt qua mọi trở ngại.” - Thạch Lê Anh kể.
Chị Thạch Lê Anh nói chuyện tại Diễn đàn kết nối Startups Việt 2018. |
Việt Nam Silicon Valley trở thành cố vấn cho 9 nhóm start-up đầu tiên, khi định rõ chương trình về khởi nghiệp này không phải là chương trình của sinh viên các trường đại học hay của đoàn thanh niên kêu gọi hỗ trợ phong trảo, mà thực sự là vấn đề thay đổi một nền kinh tế và thay đổi thị trường vế vốn: “Lúc đó tôi có huy động chủ yếu trong gia đình và những người bạn thân thôi, vài ba tỷ đồng để có thể đầu tư, và đầu tư vốn mồi là vốn rủi ro nhất. Nó là giai đoạn mới chỉ là ý tưởng. Nhưng ý tưởng ai dám đầu tư? Tôi đã thử nghiệm trong 9 nhóm, và 9 nhóm đấy hoàn toàn là người Việt Nam. Có rất nhiều nhóm trong số đấy là các bạn đang học đại học nước ngoài. Khi nghe có chương trình này các bạn quay về Việt Nam khởi nghiệp. Một trong số đó là Lozi..”
Lozi (ban đầu là ứng dụng mạng xã hội về ẩm thực) sau đó đã gọi vốn được 500.000 USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và quỹ đầu tư từ Tập đoàn DesignOne Japan (Nhật Bản), và đang mở rộng mô hình ra các lĩnh vực như thời trang, đồ điện tử: “Ở đây tôi có đưa ra 15-16 nhóm VSV, đều là nhóm của Việt Nam, và một nửa trong đó đến từ TPHCM. Mặc dù chúng tôi không có đủ diện tích để thúc đẩy các bạn ấy trong vòng 4 tháng tại TP HCM, nhưng tất cả các bạn đều rất nhiệt tình ra Hà Nội. Và đây là một incubator (vườm ươm khởi nghiệp) ở ngoài Hà Nội và được sự hỗ trợ rất nhiều từ Bộ Khoa học công nghệ. Chúng tôi bỏ kinh phí để đưa một sàn khoảng 500 m vuông làm nơi để các nhà đầu tư cũng như start-up có nơi để gặp gỡ nhau." - Chị Thạch Lê Anh cho biết
Theo chị Thạch Lê Anh, mô hình accelerator(tăng tốc khởi nghiệp) quan trọng đến thế, vì "đầu tiên, nó giống như vườn ươm khởi nghiệp để nuôi dưỡng; nhưng lại khác biệt ở chỗ có những nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đầu tư vốn mồi từ ban đầu. Đây là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, lợi nhuận cao nên đã có nhiều mô hình phát triển ở các nước. Như ở Mỹ thì có Y Combinator hay Plug and Play, Singapore thì JFDI, hay Hàn Quốc có rất nhiều accelerator như thế vv…Từ đây mới giúp các nhà đầu tư cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm tìm đến để có thể đầu tư những vòng tiếp theo. Và đây là mô hình accelerator hiện nay đang được nhân rộng trong cả nước.”
Đến nay, Việt Nam Silicon Valley đã cho ra đời 52 dự án, trong đó 16 dự án đã gọi được vốn, 20% số vốn đầu tư vào các dự án đến từ các quỹ nước ngoài. Thành công của Lozi hay nhiều start-up khác ở VSV là những câu chuyện nhỏ trên hành trình dài hướng đến mục đích hình thành thị trường vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam mà chị Thạch Lê Anh mơ ước: “Chương trình accelerator ở Mỹ rất thành công vào khoảng năm 2010, ở Singapore 2012 và Việt Nam 2014. Tại sao tôi đưa ra những mốc đó, vì nếu chúng ta đi một mình sẽ rất khó khăn, nhưng nếu chúng ta đi dồng hành, song hành cùng trên thế giới và khu vực, việc đấy được cộng hưởng rất nhiều. Và chúng tôi được hưởng lợi từ việc đi đồng hành như thế. Nên tại sao mạng lưới các nhà cố vấn, các nhà đầu tư thiên thần của VSV là hơn 60 mà giờ lên tới 100 người. vì chúng tôi có liên hệ giữa các accelerator (tăng tốc khởi nghiệp) đó với nhau.”
Khi nói tới khởi nghiệp hay tăng tốc khởi nghiệp thì không thể không nói tới vai trò quan trọng của đầu tư mạo hiểm.
Chị Thạch Lê Anh cho biết, đây là mối trăn trở của chị cũng như các cộng sự: “Mỹ 1 năm có thể thu hút được 70 tỷ USD tiền đầu tư mạo hiểm. Số tiền này chiếm 0,23% GDP của nước Mỹ, nhưng tạo ra tới 21 %, tức là nó tăng tới 100 lần. Đây là những con số mà chúng ta rất đáng phải quan tâm. Ở Israel thì có thể thu hút được 5 tỷ USD. Ở Singapore một quốc đảo rất nhỏ thu hút được khoảng 6.8 tỷ USD.
Còn ở Việt Nam mặc dù trong những năm gần đây phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, và chúng ta đứng thứ 3 trong khu vực, nhưng số tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực Đông Nam Á khoảng 1,5 tỷ thì vào VN khoảng 100 triệu. Đó cũng là cái để những nhà làm chính sách cần quan tâm hơn làm thế nào để thu hút được các nguồn vốn về với Việt Nam.”
Ở Việt Nam, VSV đã đi từng bước, vừa kết nối các nhà đầu tư thông qua các chương trình VSV Angelcam cho đến đào tạo chuyên sâu 5 ngày Investor Boot camp (hội thảo của các nhà đầu tư) cho những nhà làm chính sách, những nhà đầu tư để họ đỡ rủi ro trong việc đầu tư vào start-up. Chị Thạch Lê Anh bày tỏ, VSV đã làm đề án và hy vọng thời gian tới sẽ có dịp trình với lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ, lãnh đạo TP HCM về một cơ sở tương tự ở Thành phố Hồ Chí Minh để có thêm một không gian hợp tác làm việc mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp.