Dạy tiếng Việt: lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc ở nước ngoài

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Việc dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài tại từng địa bàn rất khác nhau, nơi thuận lợi và nơi còn nhiều khó khăn.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Các thầy cô giáo người Việt ở các nước đã hội tụ về quê hương tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên người Việt ở nước ngoài. Có những thầy cô đã được dự tập huấn vài lần, trong khi rất nhiều thầy cô lần đầu tiên đăng ký tham gia, mang theo những tâm tư, tình cảm khác nhau, nhưng các giáo viên người Việt ở nước ngoài đều mong muốn tiếp thu nhiều kiến thức từ Khóa tập huấn để gìn giữ và lan tỏa tình yêu tiếng nói dân tộc nơi xa xứ.

Lần đầu tham gia lớp tiếng Việt theo hình thức trực tuyến cách đây không lâu, cô giáo Đào Lê Quỳnh Phan, tên Thái là Thanomphan Triwanitchakorn, người Thái gốc Việt cảm thấy rất thích thú vì được tìm hiểu khá nhiều điều về ngôn ngữ dân tộc. Tụy nhiên, vì học trực tuyến nên có khá nhiều khó khăn. Vì thế, khi nghe thông tin có Khóa tập huấn được tổ chức năm nay, cô đã đăng ký tham gia với mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn kiến thức so với lần trước: Lần trước, tôi được học bổng học ở đây. Lần này, tôi cảm thấy rất  có ích nên đăng ký tham gia với mong muốn thành lập một lớp dạy tiếng Việt  ở nơi mình sinh sống. Tôi mong muốn lớp học giúp có phương pháp giảng dạy làm thế nào phong phú, hiêu quả. Lần này tôi mong nhận được kết quả nhiều hơn.
Dạy tiếng Việt: lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc ở nước ngoài - ảnh 1Cô giáo Trần Thị Thu Thủy, ở Brno, Cộng hòa Séc tham dự khóa Tập huấn

Việc dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài tại từng địa bàn rất khác nhau, nơi thuận lợi và nơi còn nhiều khó khăn. Vì thế, đến với khóa Tập huấn, mỗi thầy cô giáo mang theo những tâm tư, trăn trở và dự định cũng khác nhau.Cô Trần Thị Thu Thủy, ở Brno, Cộng hòa Sec, nhiều năm nay ấp ủ truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây mà chưa thực hiện được. Theo cô, cần sự chung tay để giải quyết những khó khăn vẫn còn tồn tại, từ đó, lan tỏa tiếng nói dân tộc ở nước ngoài: Con em tại Sec rất đông và còn đông nữa. Các gia đình gửi con suốt ngày cho người nước ngoài, có người gửi cả tuần, cả tháng nên các cháu biết tiếng Việt rất ít. Về quê cũng không nói được với ông bà thì thật đau lòng. Một ngôn ngữ, thứ tiếng học được không đơn giản, nhưng mất đi tiếng quê hương đất nước tổ tiên là điều thiệt thòi cho các cháu và cộng đồng người Việt. Hy vọng cả cộng đồng cùng chung tay gìn giữ được bản sắc dân tộc, gìn giữ tiếng Việt cho mai sau mà lan tỏa tiếng Việt cho người bản địa.

Dạy tiếng Việt: lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc ở nước ngoài - ảnh 2Cô giáo Trần Thị Hậu, ở Tân Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm gìn giữ tiếng Việt

Trong khi đó, khá nhiều địa bàn có đông người Việt sinh sống, tiếng Việt luôn được tạo điều kiện để phát triển song hành cùng với ngôn ngữ sở tại. Cô giáo Trần Thị Hậu, ở Tân Bắc, Đài Loan(Trung Quốc), lần đầu tham dự tập huấn chia sẻ: "Vinh dự lần đầu tiên tham dự đúc kết kinh nghiệm để cả người Việt nam và Đài Loan có thể học. Đài Loan quan tâm tới tiếng mẹ đẻ nên các trường tiểu học, trung học đều có thể mở lớp tiếng Việt. Kỳ vọng đúc rút  nhiều kinh nghiệm và giúp cho có thể có những bài học sinh động, cuốn hút các em học tiếng Việt nhiều hơn."

Dạy tiếng Việt: lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc ở nước ngoài - ảnh 3Các cô giáo kiều bào tại Nhật Bản

Yêu quê hương, luôn mong muốn gìn giữ tiếng nói dân tộc, cho dù sống ở Nara, Nhật Bản đã 13 năm, nhưng cô Trần Thị Bích Phượng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Mấy năm gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản quan tâm và luôn hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Nhật Bản. Cụ thể là liên hệ với các trường cấp 3 để các em học sinh Việt Nam tại Nhật Bản có  thể lựa chọn việc học tiếng của mình ở trường. Chính vì thế, đến với khóa tập huấn lần này, cô Phượng mong muốn tiếp thu được kiến thức giảng dạy, để dạy cho con em người Việt, giúp các em giữ được tiếng nói dân tộc, giúp cho các thế hệ sau thêm gần hơn với quê hương mình: Em rất hy vọng lớp tập huấn giúp cho em kiến thức quý để tích lũy kinh nghiệm để giảng dạy cho các em học sinh người Việt. Để các em giữ được tiếng Việt của mình và có thể tự hào về đất nước Việt Nam. Mong muốn có giáo trình để các bạn tiếp cận tiếng Việt dễ dàng hơn.

Tiếng Việt là sợi dây kết nối và giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mong muốn của mỗi người con xa xứ gìn giữ tiếng nói dân tộc, cùng với sự đóng góp không nhỏ của các giáo viên kiều bào sẽ giúp đưa ngôn ngữ quê hương tồn tại và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các thế hệ người Việt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu