Buổi tọa đàm trực tuyến từ hàng chục điểm cầu, với sự tham dự của gần 100 đại biểu là những người đang thực hành công tác giảng dạy tiếng Việt từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng ban điều hành Diễn đàn. |
Trưởng ban điều hành Diễn đàn, ông Lê Xuân Lâm (Chủ tịch Hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Ba Lan) cho biết: “Hội thảo “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” lần thứ nhất, do trường tiếng Việt Lạc Long Quân cùng Hội người Việt Nam tại Ba Lan chủ trì tổ chức đã rất thành công với những chia sẻ đa dạng và tâm huyết từ những chuyên gia ngôn ngữ uy tín, và các thầy, cô dạy tiếng Việt năng động từ nhiều nước trên thế giới. Ngay sau Hội thảo, nhiều đề nghị đã được gửi tới Ban tổ chức Hội thảo với mong muốn hoạt động kết nối quốc tế này sẽ tiếp tục được duy trì, do đó, Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài đã ra đời với 15 thành viên từ nhiều nước của Ban điều hành. Buổi tọa đàm lần này được tổ chức nhằm kỷ niệm 2 năm thành lập Diễn đàn, đánh dấu một chặng đường tiếp tục phát triển mới mạng lưới trực tuyến của những người tham gia công tác truyền bá tiếng Việt trên thế giới”.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng đánh giá cao những hoạt động của các thành viên trong Diễn đàn Giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng đánh giá cao những kết quả Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài đã đạt được thời gian hai năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh covid 19, vẫn giúp được những cơ sở giảng dạy tiếng việt ở nước ngoài có được kinh nghiệm cần thiết trong giảng dạy trực tuyến, nhất là trong điều kiện sách giáo khoa tiếng Việt chưa có sẵn. Khẳng định Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài qua nhều chính sách cụ thể đã được ban hành, thực thi, Đại sứ Nguyễn Hùng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Diễn đàn sẽ tiếp tục có những hoạt động ý nghĩa hơn nữa để góp phần lan tỏa kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt, động viên các thầy cô cũng như các thế hệ con em người Việt học tập ngôn ngữ nguồn cội.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cung cấp những thông tin cập nhật chi tiết về tình hình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài (từ Ucraina, CH Séc, Hungary, CHLB Đức, Ba Lan, Pháp, Bỉ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Italia, Hoa Kỳ…).
Đặc biệt, là những chia sẻ của các đại biểu về phương pháp và kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt (từ Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc)…vv..
Đại biểu từ 16 nước tham dự tọa đàm "Tình hình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” nhân kỉ niệm 2 năm thành lập Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài. - Ảnh chụp màn hình. |
Thầy Mai Hải Lâm, hiệu trưởng trường tiếng Việt Lạc Long Quân trăn trở: “Việc dạy và học tiếng Việt được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan trong nước và các tổ chức hội đoàn. Việc quảng bá và giữ gìn tiếng Việt là tâm huyết của rất nhiều thầy cô giáo chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Tuy nhiên sự quan tâm từ phía phụ huynh và học sinh có lẽ chưa tương xứng với quy mô của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Với hơn 6 tiếng tham gia tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi cùng nhau những kinh nghiệm thiết thực để việc giảng dạy tiếng Việt trở nên hiệu quả nhất tại địa bàn mình cũng như kết nối để cùng thay đổi, cùng phát triển.
Trả lời phóng viên VOV, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó ban Điều hành kiêm Trưởng tiểu ban Ngữ văn và chương trình giảng dạy của Diễn đàn khẳng định: “Nhiệm kỳ 2021-2023 của Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, cũng là nhiệm kỳ đầu tiên mang nhiều ý nghĩa quan trọng về việc đặt nền tảng hoạt động. Ban điều hành của nhiệm kỳ này, với nhiều người đóng góp thầm lặng, đã tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến hiệu quả nhằm trao đổi, chia sẻ những thông tin mới nhất về cách thức giảng dạy tiếng Việt trên toàn thế giới.
Buổi tọa đàm lần này, đồng thời là dịp nhìn lại những gì chúng tôi đã cùng nhau thực hiện, và tiếp tục cùng nhau phấn đấu vì tương lai thế hệ con em người Việt ở nước ngoài, để góp phần quảng bá và giữ gìn tiếng Việt.” - bà Liên Hương cho biết thêm.