Áo dài Việt Nam chinh phục bạn bè Nga

Anh Tú
Chia sẻ
(VOV5) -Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo Việt Nam tại LB Nga, Năm LB Nga tại Việt Nam.
Nghệ thuật từ chất liệu đến sắc màu, kiểu dáng, họa tiết trong những tà áo dài có lẽ đã chiếm trọn tình cảm yêu mến, thán phục của các khán giả Nga.

Tới tham dự chương trình trình diễn thời trang mang tên “Sắc màu Việt Nam-Minh Hạnh” có Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Quỳnh Mai và bà con trong cộng đồng, cùng đông đảo các bạn bè Nga, sinh viên Nga đang học các khoa tiếng Việt tại một số trường đại học ở Thủ đô Moscow.

Áo dài Việt Nam chinh phục bạn bè Nga - ảnh 1
Bộ sưu tập áo dài với hình ảnh một số công trình kiến trúc nổi tiếng của Nga.

Đây là lần thứ hai nhà thiết kế Minh Hạnh trở lại nước Nga, sau lần đầu thuyết trình về áo dài tại trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow hồi cuối năm 2018. Buổi thuyết trình về lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, với nhiều thay đổi về kiểu dáng thiết kế, chất liệu đã rất cuốn hút người xem. Điều đó khiến bà ngay lập tức đặt ra kế hoạch trở lại nước Nga với một chương trình biểu diễn thời trang áo dài quy mô và công phu hơn.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, chương trình là tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hai nền văn hóa Việt-Nga thông qua thời trang. Nước Nga có nền văn hóa rất lớn. Hầu như người Việt Nam đang sống tại Nga cũng như tại Việt Nam đều có tình yêu khó giải thích đối với đất nước Nga. Tôi nghĩ, căn nguyên là bởi Nga có nền văn hóa vĩ đại.

Ba căn phòng trưng bày tĩnh vật của Bảo tàng Phương Đông trở thành sàn diễn thời trang cho các người mẫu chuyên nghiệp và các người mẫu sinh viên Việt Nam và Nga. Bộ sưu tập trình diễn tại đây là câu chuyện kể về những người dân tộc sống tại Việt Nam, chuyện của thổ cẩm.

Áo dài Việt Nam chinh phục bạn bè Nga - ảnh 2
Áo dài bằng chất liệu thổ cẩm.

Theo đó, chương trình gồm 3 phần, ở phần thứ nhất, khách tham dự được chiêm ngưỡng những phong cảnh kiến trúc nổi tiếng nước Nga, như điện Kremly, được thể hiện trên nền những tà áo dài tha thướt, được thiết kế từ lụa tơ tằm tự nhiên. Và không thể thiếu trong trang phục áo dài của Việt Nam là những chiếc nón rất đặc trưng của người Việt.

Ở phần thứ hai, khách mời được chiêm ngưỡng những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam, với 60 bộ váy áo thiết kế từ lụa tự nhiên Bảo Lộc và lụa thổ cẩm, được dệt bởi chính bàn tay của các cô gái dân tộc ở miền Bắc Việt Nam như người H’Mông, người Dao, ở miền Trung Việt Nam như người Tà Ôi, người K’ho. Bộ sưu tập này được lấy cảm hứng từ các trang phục dân tộc thiểu số, với các mẫu thêu thủ công phong phú và hết sức tinh tế.

Điều hấp dẫn là tác giả của những bộ trang phục này- nhà thiết kế với khao khát thử nghiệm, đã sáng tạo những bộ trang phục có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các họa tiết đặc trưng của các dân tộc thiểu số Việt Nam với những nét vẽ đặc trưng của các sa hoàng Nga.

Ở phần kết của Chương trình, các người mẫu-sinh viên Nga và Việt Nam trình diễn bộ sưu tập áo dài truyền thống trên nền lụa tự nhiên với các họa tiết mô tả các công trình kiến trúc của Nga.

Áo dài Việt Nam chinh phục bạn bè Nga - ảnh 3
Đầm bằng thổ cẩm.

Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình nhà báo chuyên viết về nghệ thuật Olga Seregina nhận xét, buổi trình diễn thực sự cho thấy nghệ thuật hiện diện trong mốt và mốt hiện diện trong nghệ thuật.

"Tôi có thể nói đây thực sự là nghệ thuật. Nghệ thuật thời trang thực sự khi tác phẩm không chỉ là một chiếc váy, một món phụ kiện, mà là cả một hình ảnh mang thông điệp. Tôi chúc mừng tác giả bộ sưu tập của đất nước các bạn đã sáng tạo ra những mẫu thời trang đỉnh cao như vậy” - Olga Seregina nói.

Đại diện Bảo tàng và là nhà giám sát buổi trình diễn Albina Legostaeva cho biết, năm ngoái nhân dịp Bảo tàng tròn 100 năm tuổi, một triển lãm về vẻ đẹp của cô gái phương Đông từ nhiều miền đất đã được tổ chức. Áo dài đã được chọn để thể hiện vẻ đẹp Đông Nam Á. Qua giới thiệu của nhà Việt Nam học Elena Zubsova, người từng làm việc một thời gian dài ở Hà Nội, áo dài Minh Hạnh đã được giới thiệu với Bảo tàng và ngày hôm nay là với đông đảo người yêu nghệ thuật ở xứ sở Bạch Dương. “Khán giả có lẽ không phải đã hiểu rõ hết về tính dân tộc của áo dài. Họ có thể biết áo dài, có thể biết các chi tiết riêng biệt của bộ quần áo, nhưng bây giờ được xem cùng một lúc các sản phẩm làm bằng tay của người Hmong, Tà ôi, K’ho, Dao đỏ. Đây là nghệ thuật dân gian và nghệ thuật thủ công truyền thống, được bảo tồn và phát triển...” - Albina Legostaeva nói.

Sau buổi trình diễn, nhà thiết kế Minh Hạnh tặng lại cho Bảo tàng Phương Đông 3 mẫu thổ cẩm, gồm 2 bộ áo dài để giới thiệu về phong cách áo dài Việt Nam hiện nay và một mẫu đầm để Bảo tàng có thể đối chiếu giữa những chất liệu hoang sơ, trở thành chất liệu thời trang cao cấp trong những bộ trang phục dễ mặc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu