Hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, xuyên suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào ta ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê nhà, với rất nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ nhân dân trong nước. Riêng tại TP.HCM, sự gắn kết chặt chẽ của người Việt ở trong và ngoài nước không chỉ là nguồn tiền, hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới gửi đến các lực lượng tuyến đầu và người dân khó khăn, mà còn là những hiến kế, giải pháp, đồng hành của bà con kiều bào trong quá trình khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch.
Cần những bước đi đột phá, sáng tạo
Với niềm tin đại dịch rồi sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, ông Lê Ngọc Ánh Minh (Minh Taro), đại diện Công ty phát triển hạ tầng Pacific Group, vốn đầu tư Nhật Bản cũng không khỏi băn khoăn, lo rằng TP.HCM sẽ lại kẹt xe, sẽ lại ô nhiễm và đặc biệt là, trước thực tế một bộ phận người lao động tản mác, trong khi đó cộng đồng người Việt Nam tại Nhật lên tới nửa triệu người đi tu nghiệp, lao động, 3-5 năm sẽ quay về. Ông Minh rất mong muốn Sở Lao động Thương binh Xã hội TP có thể tạo một cổng tiếp nhận số lao động đã được đào tạo rất tốt tại Nhật, để có thể tiếp tục khai thác, sử dụng tại TP.HCM.
Ngoài ra, với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và hạ tầng giao thông, từng tham gia các dự án xử lý môi trường nước ở TP.HCM như kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Bến Mễ Cốc…, ông Minh cho biết, hiện doanh nghiệp nơi ông làm việc đang sở hữu công nghệ xử lý nước thải ở các dòng kênh ô nhiễm thành năng lượng điện. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam rất mong muốn được TP bố trí 1 khu vực thí điểm, 1 quận khó nhất để đóng góp cho sự phát triển của TP trong lĩnh vực này.
"24 năm qua, tôi và các đồng nghiệp nhận thấy TP thay đổi rất nhiều, kênh Nhiêu Lộc hiện rất đẹp, vậy tại sao không biến những con kênh ô nhiễm trở thành dòng kênh xinh đẹp, thân thiện môi trường, tận dụng nước thải để phát điện, phục vụ chiếu sáng dòng kênh cũng như cấp điện cho một cộng đồng dân cư nào đó. Đó là công việc mà tôi muốn thực hiện cho TP.HCM"- ông Minh bày tỏ.
Hoan nghênh ý tưởng trên, tại cuộc gặp gỡ mới đây với kiều bào các nước, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết việc xử lý môi trường, TP đang rất cần, có thể triển khai những dự án lớn, nhỏ, hay dự án thành phần. Hiện TP có định hướng nâng cấp tất cả khu chế xuất - khu công nghiệp để hướng đến công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ cao thay cho sử dụng lao động, hay máy móc thiết bị những năm 80 của thế kỷ trước. Chính vì thế có thể áp dụng mô hình này trong lĩnh vực xử lý nước thải ở các khu vực trên, hoặc tại các bệnh viện lớn, phát điện và phục vụ lại cho cộng đồng dân cư. Từ hướng phát triển đó, lãnh đạo TP đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường trao đổi với doanh nghiệp để đi vào công việc cụ thể, phục vụ cho lợi ích của TP.
Cùng mối quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM và cả nước, đặc biệt là sau đại dịch, Tiến sĩ Kinh tế Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hungary cho rằng vấn đề quan trọng phải đổi mới sáng tạo. Theo bà Thiện, các doanh nghiệp hiện nay ở TP vẫn thiếu ý tưởng và công trình nghiên cứu về khoa học công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nhiều ý tưởng nghiên cứu khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo gần như không tiếp cận được nguồn vốn. Bà Thiện đề nghị TP.HCM nên xây dựng quỹ thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thông qua giải pháp chính sách thuế và điều tiết xã hội hóa đầu tư.
"Trong số thuế mà các doanh nghiệp phải đóng, có thể quy định trích từ 1 đến 2% để đóng vào quỹ khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp có quyền tìm và chuyển số tiền này trực tiếp cho các công trình nghiên cứu khoa học hoặc những ý tưởng đổi mới sáng tạo mà doanh nghiệp thấy phù hợp trong lĩnh vực họ đang cần. Quỹ phát triển khoa học công nghệ sẽ phân chia, duyệt theo những đề xuất, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố"- bà Thiện bày tỏ.
Tiến sĩ Kinh tế Phan Bích Thiện cho biết thêm, việc xây dựng chính sách sẽ cần những vấn đề cụ thể, bà có thể hỗ trợ nếu TP.HCM quan tâm, làm sao để giải quyết được câu chuyện “tiền đâu” vốn rất quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Cũng với mong muốn có thể đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, nhất là đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhiều yếu kém của hệ thống y tế, bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa giáo dục, kiêm Trưởng đại diện Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm vấn đề đào tạo nâng cao chuyên môn y khoa, y bác sĩ cho thành phố. Bà Trân cho biết, trước dịch COVID-19, mỗi năm Hiệp hội hỗ trợ hơn 100 y bác sĩ của Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) học tập hoàn toàn miễn phí. Thời gian qua, bà tiếp tục đề xuất với Bộ Y tế Đài Loan hỗ trợ chiến lược tham mưu trong phòng chống dịch cho TP.HCM. Ngoài ra, với vai trò là cố vấn cho nhiều trường đại học ở Đài Loan, bà Trân khẳng định có thể hỗ trợ cho thành phố mỗi năm 5 suất học bổng tiến sĩ đào tạo các ngành nghề mà thành phố đặt ra để đóng góp cho công tác đào tạo nhân tài chất lượng cao, giúp thành phố phát triển nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, bà Trân cũng mong muốn sẽ là đầu mối kết nối, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam: "Quý 1/2022, Hiệp hội của chúng tôi sẽ thành lập trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam Đài Loan tại Đài Loan. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp của TP.HCM triển lãm các hàng hóa sản phẩm và khai thác thị trường tại Đài Loan".
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, TP.HCM là địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng và có thời gian giãn cách xã hội dài nhất từ trước đến nay - từ 31/5 đến 30/9/2021, làm cho hoạt động kinh tế-xã hội của thành phố bị gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi, cùng với đó là những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe, sinh kế, đời sống của người dân. Theo dự báo của Tổng Cục thống kê Việt Nam, dự kiến cuối năm 2021, GRDP của TP.HCM là - 6,78%, trong khi mục tiêu phấn đấu của thành phố trong năm 2021 là 6,5%. Với truyền thống năng động và sáng tạo, ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, thành phố đã bắt tay ngay vào khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc TP.HCM trở lại bình thường mới khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt phải đối diện với nhiều vấn đề và cần đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hồi phục nhanh nền kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội và phát triển thành phố theo hướng bền vững, toàn diện. Trong bối cảnh đó, có thể nói sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất cần thiết. Với khoảng 3 triệu người sinh sống và học tập, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 85% đang làm việc ở các nước đang phát triển, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, sự đóng góp của các chuyên gia, trí thức kiều bào sẽ giúp thành phố xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển phù hợp với tình hình mới.
"Vai trò và vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước sở tại trong những năm qua ngày càng được nâng lên. Đây là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong đó có TP.HCM. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia, trí thức kiều bào góp ý nhiều hơn cho thành phố trong quá trình hồi phục và phát triển. TP.HCM cam kết tiếp tục đồng hành cùng bà con Việt kiều và doanh nghiệp Việt kiều trong quá trình phát triển"- ông Võ Văn Hoan bày tỏ.