(VOV5) - Không bảng đen phấn trắng, cũng chẳng có phòng học tiện nghi, lớp học Hướng thiện chỉ gồm vài bộ bàn ghế đơn sơ kê trong khoảng sân nhỏ, mà đầy ắp tiếng đọc bài, cười đùa của những đứa trẻ.
|
Lớp học Hướng thiện thường xuyên có gần 20 học sinh theo học, mỗi tuần một buổi sáng
Chủ nhật |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Em theo học lớp này được 6 tháng rồi. Em học môn toán, anh và văn. Em thấy em tiến bộ hơn. Thầy giảng rất dễ hiểu. Nhiều lúc Thầy còn nói những bài học về cuộc sống nữa”,
“Học ở lớp này con thấy rất vui. Con được học toán, văn, tiếng Việt. Con cảm ơn Thầy nhiều vì đã dạy cho con”.
Đó là nhận xét của các em Minh Hiếu và Thùy Dương. Ở lớp học Hướng thiện này, thầy Trà không chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy cả đạo lý làm người.
Ông giáo Nguyễn Hữu Trà năm nay đã 85 tuổi, mái tóc và đôi lông mày bạc trắng. Dù tuổi cao nhưng thầy Trà vẫn còn minh mẫn lắm. Ông đi lại nhanh nhẹn, làm thơ hay, thông thạo nhiều ngoại ngữ và nói chuyện dí dỏm. Nhấp một ngụm trà, ông bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian năm 1992, khi bắt đầu mở lớp học Hướng thiện: "Ngày xưa chỗ này bãi rác nhiều lắm. Tôi đi qua bãi rác, thấy có những cháu làm mình rớt nước mắt. Mình có mũ, kính, khẩu trang bịt kín cả, mà các cháu chỉ có mỗi quần đùi. Trái cảnh: mình đang thừa, nó đang thiếu. Tôi mới gọi lại hỏi đói không – Sáng chưa ăn gì. Tôi vội vàng đi mua cho bánh mì. Cứ thế tích lại những hình ảnh làm cho mình động lòng. Và tôi biết là phải cho nó chữ thì nó mới đổi đời được. Chứ nếu cho tiền, nay bánh mì, mai 2 bánh mì, ngày kia 3 bánh mì…đến tạ bánh mì thì cuối cùng cũng hết. Thế là phải cho cái chữ, như là cần câu."
Lớp học Hướng thiện ra đời từ đó. Lớp ban đầu chỉ có vài học sinh. Rồi tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người gửi gắm con em đến lớp thầy Trà. Người thầy giáo già vẫn gọi lớp bằng cái tên vui là lớp học “lẩu thập cẩm”. Bởi ở đây thầy dạy nhiều môn: từ toán, vật lý, địa lý cho tới các ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức... Lớp lại hội tụ học sinh ở nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Từ các em nhỏ chuẩn bị bước vào lớp một cho tới những học sinh cấp 3. Nhiều người đi xuất khẩu lao động không có tiền học ngoại ngữ ở trung tâm cũng được thầy nhận dạy miễn phí. Thầy Trà hiểu rõ từng người một, ai giỏi môn gì, yếu môn gì. Thậm chí, ông nắm bắt cả hoàn cảnh gia đình các em, để động viên và chia sẻ.
|
Thầy giáo Nguyễn Hữu Trà hướng dẫn môn Toán cho một học sinh |
Mấy chục năm qua, đã ngót nghét 300 học sinh trưởng thành từ lớp Hướng thiện. Người vào đại học, người đi học nghề, người đủ điều kiện đi lao động nước ngoài… Chủ nhật hàng tuần, nhiều học sinh cũ vẫn tụ họp về đây. Chị Hồng Vân là một học trò cũ của thầy Trà, hiện đang đưa con trai đến học. Lê Thị Lê My, vừa tốt nghiệp Đại học Hà Nội, theo học lớp thầy Trà cách đây đã 6 năm. Thỉnh thoảng, Lê My vẫn về thăm người thầy giáo cũ mà em gọi thân mật bằng “ông”.
“Cách đây khoảng 10 năm tôi là học sinh cũ của thầy, và giờ đưa con mình đến học. Các cháu ở đây cũng rất chăm học. Ngay bản thân tôi đến đây cũng vẫn phải học, học để về dạy cho con” - Chị Hồng Vân chia sẻ
“Trong thời gian tôi học ở đây ông giúp tôi rất nhiều. Ông làm tôi thấy rất thích thú với việc học. Ông cũng rất yêu quý tôi, coi tôi không khác gì cháu nội ông” - Lê My kể về người Thầy của mình.
Gia đình thầy Nguyễn Hữu Trà có 17 đời theo nghề dạy học. Từ khi ông mở lớp học này, các con các cháu cũng giúp đỡ rất nhiều. Không chỉ góp sức cùng ông mua bàn ghế, trang bị cho lớp học, dành hẳn nhà thờ họ làm phòng học cho những ngày trời mưa, nhiều người cháu đang theo học ở các trường đại học cũng tham gia giúp ông giảng dạy. Thấy thầy vất vả, nhiều người ngỏ ý muốn đóng góp để xây dựng lớp học. Ngày 20/11, phụ huynh mang quà đến tặng, thầy đều từ chối. Bà Phạm Bích Loan, người dân phường Phương Liên, có cháu nội đang theo học lớp thầy Trà, cho biết:“Thầy nhiệt tình lắm, dạy các cháu đến nơi đến chốn. Chúng tôi cũng có hỏi về vấn đề kinh phí để phụ huynh đóng góp, nhưng Thầy bảo Thầy không cần vấn đề tài chính. Mà đây là tình cảm, là trách nhiệm của một người thầy giáo”.
Chia sẻ chân thành, ông giáo bảo rằng dù là những món quà nhỏ, ông sợ sẽ thành tiền lệ xấu. Ông mở lớp học này chỉ mong giúp đỡ cho những đứa trẻ thành tài. Sáng chủ nhật hàng tuần bọn trẻ lại kéo đến nhà thầy, đứa sà vào lòng thầy khoe tuần vừa rồi con được điểm 10, đứa khoe rằng con được cô giáo khen vì phát âm tiếng Anh tiến bộ... Thầy Trà bảo đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình: “Mình đã mở cánh cửa ước mơ cho các cháu. Đó là điều tuyệt vời, là niềm vui không thể nào tả nổi. Một người thầy giáo nhìn thấy trò của mình thành đạt thì đó là niềm vui không cái gì bằng”.
Ở cái tuổi “gần đất, xa trời”, ông giáo trăn trở không biết còn dạy cho bọn trẻ được bao lâu nữa. Nhưng, ngày nào còn sức khỏe là ông còn nghiên cứu, còn truyền đạt tri thức tới cho học trò. Với những đóng góp cho nền giáo dục và sự tận tụy với học trò nghèo, cuối năm 2014, thầy Nguyễn Hữu Trà đã vinh dự nhận thư khen ngợi của Chủ tịch nước. Đó là động lực to lớn giúp người thầy tóc bạc có thêm niềm vui để tiếp tục chèo lái con thuyền tri thức qua sông.