Những ngày giáp Tết Giáp Thìn năm 2024, dù sức khỏe không được tốt, GS.TS Võ Tòng Xuân - “cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa ĐBSCL vẫn dành một cái hẹn với chúng tôi tại Cần Thơ để trao đổi về câu chuyện hạt gạo Việt Nam.
Cơn ho kéo dài liên tục làm sức khỏe dần kém đi, chúng tôi đã nhiều lần chủ động xin Giáo sư cho dừng cuộc trao đổi. Tuy nhiên, thầy vẫn nói cố gắng cho thầy chút nhé, sẽ cố hoàn thành để Đài có nội dung phát sóng dịp Tết và thầy cũng có điều kiện trao đổi, thể hiện hết suy nghĩ, mong muốn của mình đối với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Thế mà, thông tin Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời trong sáng nay 19/8 khiến nhiều người bàng hoàng.
GS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940, tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Nhắc đến GS.TS, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân là nói đến tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới.
Đặc biệt những năm đất nước còn nhiều khó khăn, GS và các cộng sự đã nỗ lực nghiên cứu ra giống lúa như Thần Nông, IR36, IR33, IR64... phổ biến ở ĐBSCL. Ông cũng là nhà khoa học có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện lúa ĐBSCL; góp phần rất lớn tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng cho thế giới.
Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đặt tại Philippines. Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, GS Võ Tòng Xuân đã trở về Việt Nam và làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ, sau đó ông lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
Là nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế, ông có điều kiện để định cư tại nước ngoài, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng ông kiên quyết ở lại Việt Nam trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau giải phóng.
“Lúc đó tôi từ Nhật Bản lấy bằng Tiến sỹ, trở về đúng 28 ngày trước khi chấm dứt chiến tranh tiếp tục cùng với các sinh viên, các bạn đồng nghiệp ở Trường Cao đẳng nông nghiệp phát triển rất mạnh chương trình cây lúa mới. Động cơ để tôi trở về chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, lúc đó mình rất cần về Việt Nam để có thể đào tạo cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cán bộ khuyến nông, giúp ĐBSCL có thể phát triển được cây lúa”, GS.TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Cũng chính trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, là lúc Giáo sư Võ Tòng Xuân thể hiện cao nhất tâm huyết và trí tuệ của mình trong việc tìm ra giống lúa mới, giống lúa kháng rầy, hay chung tay giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng sau chiến tranh và tìm đầu ra cho hạt gạo Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp, cũng như hiến kế cho Quốc hội trong vai trò là đại biểu Quốc hội để đề ra những quyết sách mang tính vĩ mô, định hướng nền nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới. “Làm nhà khoa học không thể nào chỉ lo về khoa học, mình nhận thấy cần phải thuyết phục các nhà lãnh đạo những gì mình có thể làm cho bà con nông dân yên tâm sản xuất. Điều mà tôi và các sinh viên luôn luôn nằm lòng là mình làm không vì lợi ích cá nhân, làm sao cho bà con nông dân mình phấn khởi để họ sản xuất”, ông nói.
GS.TS Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học mà trái tim luôn hướng về đồng ruộng, luôn đập cùng nhịp đập của nông dân. Trong những lần tiếp xúc và trao đổi, GS cho biết, bản thân đã chứng kiến cảnh làm ruộng vất vả của bà con nông dân và của chính người thân của mình. Vì thế, ông đã có khái niệm làm sao để người nông dân bớt khổ, bớt vất vả, đó cũng là một trong những lý do ông chọn cây lúa để gắn bó sau này.
Trăn trở cùng lĩnh vực nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân đã đi khắp các đồng ruộng, các vùng đất đặc thù khác nhau; gặp gỡ rất nhiều nông dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm và cả khát vọng cho cây lúa, khát vọng cho đồng bằng cất cánh. Chính vì vậy ông và các cộng sự của mình đã có nhiều đóng góp để phát triển hệ thống canh tác cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Từ uy tín của mình ông đã kêu gọi, vận động nhiều nhà khoa học Hà Lan sang Việt Nam với khát vọng ngọt hóa đồng bằng, biến vùng đất nhiễm phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên trở thành vùng sản xuất lúa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Nhà khoa học Võ Tòng Xuân còn nỗ lực nghiên cứu, cố vấn để kết hợp nhiều mô hình sản xuất, phù hợp với đặc thù từng tỉnh, từng vùng, từng khu vực, giúp nông dân làm giàu và quyết tâm bám mảnh vườn, mảnh ruộng; đặc biệt là góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.
“Tôi luôn có nguyện vọng làm sao đem hết sức mình để làm cho bà con nông dân khá hơn, giàu hơn. Bây giờ mình đang ở tột đỉnh về cây giống và giá, nhưng nông dân mình vẫn chưa được hưởng trọn vẹn, do đó tôi vẫn còn trăn trở muốn làm sao để nông dân hưởng trọn vẹn thành quả này. Cho nên tôi rất mừng là hiện nay, Thủ tướng vừa ban hành chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Tôi rất mong với chương trình này sẽ là dịp sắp xếp lại chuỗi giá trị của hạt gạo Việt Nam”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Với những đóng góp không mệt mỏi cho nông nghiệp nước nhà, GS.TS Võ Tòng Xuân đã nhận giải thưởng Vinfuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng rầy” vào tháng 12/2023. Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này. Ông được vinh danh do có những đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng rầy, đồng thời có nhiều công trình giúp nông dân thế giới có những giống lúa tốt, giúp cải tạo đất, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
“Giải Vinfuture dành cho các công trình ở địa phận Việt Nam mình, vì từ chỗ chúng ta không có giống lúa, sau đó ra được giống lúa kháng rầy nâu làm cho chúng ta có đủ gạo. Trong điều tra về thành tích này rất đặc biệt, không phải chỉ là chuyện giống, mà còn là sự thuyết phục nông dân, thuyết phục các nhà lãnh đạo có thể sử dụng giống này, đó là sự thành công toàn diện, không chỉ là giống lúa”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói giải thích.
Không chỉ là nhà khoa học dành cả cuộc đời mình cùng đồng ruộng mà GS.TS Võ Tòng Xuân còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang, là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ; là đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV.
Ở mỗi ngôi trường ông luôn để lại dấu ấn với nhiều công trình quý báu và luôn hết lòng vì đàn em thân yêu, ông luôn động viên, khuyến khích tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, tạo một môi trường học tập, nghiên cứu, sáng tạo và nghiêm túc để thầy và trò cùng học tập, lao động và cống hiến…
“Đối với các bạn thanh niên, sinh viên tôi có một lời khuyên hãy quyết tâm học và học thật. Tất cả cái gì mình cũng cần học để có thể có đủ kiến thức nhận xét xem cái gì sai, cái gì đúng và cái gì cần làm. Từ đó các bạn sẽ thấy rằng, của cải của ba má mình để lại luôn trong đầu các bạn, không bao giờ bị mất. Có thể mình có nhà lầu, xe hơi, đất lớn nhưng mấy thứ đó có thể nó tan biến mất, nhưng khi chúng ta học chín chắn, học thật kiến thức vẫn lưu lại trong đầu mình là gia tài quý nhất mà các bạn phải trân trọng”, GS.TS Võ Tòng Xuân tâm sự.
GS Võ Tòng Xuân sinh năm Canh Thìn, mất trong năm Giáp Thìn ở cái tuổi xưa nay hiếm, 84 tuổi. Ông là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời, sự tận tụy cống hiến cho khoa học, cho nền nông nghiệp quốc gia và quốc tế và chinh phục những đỉnh cao của tri thức.