30 tuổi, đổ vỡ hôn nhân, cô nhân viên kế toán ngân hàng không cam chịu ngày ngày sẽ chỉ biết đút chân gầm bàn làm bạn với con số và những muộn phiền đã quyết định mua một chiếc máy ảnh và trút tâm tư vào đó năm 32 tuổi. Nhiếp ảnh đã giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Những điều đẹp đẽ của cuộc sống mà cô ghi lại đã vực dậy tâm hồn cô.
NSNA Khánh Phan. |
"Đen tình, đỏ ảnh". Chỉ trong 2 năm cầm máy, cô cứ gửi tác phẩm đi đâu thì đều được giải ở đó, nhẹ nhàng ẵm cả những giải danh giá của nhiếp ảnh quốc tế như Giải Nhất hạng mục Fun trong cuộc thi ảnh Skypixel 2019, Giải nhất hạng mục People trong cuộc thi Drone award 2019 trong khuôn khổ Festival ảnh Siena award 2019, Giải 3 cuộc thi Fineart photo awards 2019… Chỉ trong 2 năm cầm máy, thế giới biết đến cái tên Khánh Phan là tác giả của những bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp về Việt Nam được đăng tải trên nhiều tạp chí quốc tế… Ở tuổi 34, Khánh Phan trở thành Hội viên của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ảnh: Khánh Phan |
“Các tay máy nữ trẻ bây giờ thật may mắn. Chỉ cần một chiếc máy ảnh trên tay, niềm đam mê và dấn thân là đi đến đâu cũng dễ dàng tác nghiệp. Thời tôi ngày xưa khi mới giải phóng đi đâu chụp cũng phải xin giấy phép. Có giấy phép rồi cũng chưa chắc đã được chụp bởi chiếc máy ảnh thời đó còn quá lạ lẫm chứ chưa nói đến việc người cầm nó là một phụ nữ” – Người khởi xướng thành lập CLB nhiếp ảnh Hải Âu – CLB nữ nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam – tay máy Đào Hoa Nữ, 74 tuổi chia sẻ.
Khói cơm chiều Hạ Long. Ảnh: Đào Hoa Nữ |
Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh tuy hơi muộn (37 tuổi) nhưng Đào Hoa Nữ sớm gặt hái thành công. Sau 10 năm sáng tác đã ra mắt những công trình tầm cỡ như sách ảnh “Việt Nam quê hương tôi”; “Huế, quê mẹ của tôi”; “Fetival Huế”... và nhiều công trình khác. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét: “Điều làm tôi thán phục trước tài năng của Đào Hoa Nữ là sự tiếp cận giữa nhiếp ảnh và hội họa. Trong ảnh nghệ thuật Đào Hoa Nữ, người ta tìm thấy thật nhiều bút pháp và “chất liệu” của hội họa.
Biển cạn. Ảnh: Đào Hoa Nữ. |
Chúng ta ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật là một công việc đặc thù, vất vả, không dễ dàng, thậm chí có thể nói là rất khó. Để tạo ra được tác phẩm tốt, bên cạnh năng khiếu, kiến thức, lòng đam mê, người nghệ sỹ còn phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, đổ mồ hôi và cả nước mắt. Có lẽ vì thế mà không nhiều người đeo đuổi, đặc biệt giới nữ thì lại càng là một con số ít trong ngôi nhà nghệ thuật chung của cả nước.
NSNA Đào Hoa Nữ (áo đỏ, giữa) và các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Hải Âu - TPHCM. |
“Đối với loại hình Nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ. Nhất là sáng tác ảnh nghệ thuật đòi hỏi người cầm máy còn phải có những điều kiện khác như: kinh phí, sức khỏe, thời gian… phải bám sát thực tế và phải đi rất nhiều. Đối với phụ nữ thì nghề này càng vất vả hơn vì điều kiện tác nghiệp rất gian khó. Bên cạnh việc say mê, tìm đề tài sáng tác, phụ nữ không thể lãng quên thiên chức “người giữ lửa cho gia đình”, chăm sóc chồng con. Ngay cả những phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ từ phía gia đình. Vì thế, có thể nói, phái nam theo đuổi đam mê nhiếp ảnh đã khó, phái nữ lại thêm khó bội phần - họ đã phải đấu tranh, trăn trở rất nhiều và chấp nhận hy sinh bản thân để theo đuổi đam mê nghệ thuật” – NSNA Trần Thị Thu Đông – Phó cục Trưởng cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNA&TL) cho biết.
Sản phẩm từ biển. Ảnh: Thu Đông. |
Một trong những chuyến tác nghiệp đáng nhớ nhất của NSNA Trần Thị Thu Đông là ở Trường Sa. Nơi mảnh đất cực đông nắng gió và vượt qua những cơn say sóng, với vai trò là Trưởng đoàn Cục MTNA&TL, chị phải bao quát mọi việc, quan tâm từng thành viên trong đoàn cũng như đại diện đoàn đi động viên thăm hỏi những người lính ở Trường Sa nên không thể lúc nào cũng cầm máy tác nghiệp thoải mái như các nghệ sĩ khác được. Mặc dù biết sẽ rất hiếm hoi để có thể trở lại, nhưng với biết bao trọng trách trên vai, thời gian để chị sáng tác không nhiều. Đó cũng là một điều thiệt thòi với một tay máy đầy đam mê. Và nghệ sĩ Thu Đông đã phải gồng mình với 200% sức lực để có thể vừa làm tròn trọng trách một trưởng đoàn, vừa thức khuya dậy sớm để tranh thủ sáng tác…
NSNA Thu Đông tại triển lãm Trường Sa trong ta. |
Trong một diễn đàn phụ nữ thành đạt tiêu biểu, MC đã hỏi một nữ nhiếp ảnh gia: nghe các anh nhiếp ảnh là nam than đi sáng tác ảnh nghệ thuật rất vất vả, muốn có ảnh đẹp phải thức khuya dậy sớm, phải trèo non, lội suối. Vậy, là một Nghệ sĩ Nhiếp ảnh nữ chị làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong sáng tác và đạt được kết quả.
Má vui lên nghen. Ảnh: An Dung. |
Và câu trả lời của nữ nhiếp ảnh gia đã khiến người nghe thật sự cảm thông: Vì đam mê nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh nữ cũng phải cố gắng vượt qua những khó khăn như nam giới, cũng phải tờ mờ sáng lò mò đi chụp cảnh bình minh hay đến tối mịt mới về đến nhà khi muốn chụp cảnh hoàng hôn. Thậm chí, thường xuyên ngồi bên máy tính đến nửa đêm để lựa chọn, hoàn chỉnh tác phẩm vì ban ngày bận việc mưu sinh, làm việc cơ quan và phải làm tròn tất cả các bổn phận của người phụ nữ trong gia đình.
Nói như thế để thấy được phần nào những khó khăn mà các nhà nhiếp ảnh nữ phải trãi qua trong quá trình phấn đấu. Chính vì thế, cho dù số lượng các tay máy nữ trong cả nước ngày càng gia tăng nhưng để theo được chuyên nghiệp, trở thành Nghệ sĩ nhiếp ảnh thì trong khoảng trên 1.000 nghệ sĩ nhiếp ảnh thì lực lượng nữ chỉ vẻn vẹn hơn 60 người.
Hoàng Thành đêm hội. Ảnh: Tuyết Minh. |
Tuy nhiên, khi đã hết mình đam mê nghệ thuật, thành quả các nhà nhiếp ảnh nữ đạt được chẳng thua kém gì phái mạnh và như lời khẳng định của chị Tuyết Minh – Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội: “Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh không cần sự ưu ái trong thứ hạng nghề nghiệp”. Trong danh sách các tác giả đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước hay thế giới đều thường xuyên thấy ghi tên của các nhà nhiếp ảnh nữ Việt Nam. Và những cái tên như Đào Hoa nữ, Linh Phượng, Thi Thơ… không những nổi tiếng mà luôn được giới nhiếp ảnh trong nước và quốc tế yêu mến, trân trọng.
Chợ trên sông. Ảnh: Kim Lan |
Hiện nay, cả nước có các CLB nhiếp ảnh nữ như: Hải Âu ở TPHCM, Âu Cơ, Núi Đôi, Lạc Hồng ở Miền Bắc và CLB Nhiếp ảnh nữ ĐBSCL. Trong đó, CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu – Thành phố Hồ Chí Minh chiếm số lượng nữ Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đông nhất cả nước với 16 người và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 9 người.
Ở các tỉnh, trước đây có CLB nhiếp ảnh nữ tỉnh Kiên Giang. Hiện nay có CLB nhiếp ảnh nữ tỉnh Đồng Tháp, CLB này do Hội VHNT và Hội LH Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp thành lập và bảo trợ về kinh phí nên hoạt động rất sôi nổi. Ở Bạc Liêu cũng đã thành lập CLB nhiếp ảnh nữ với hơn 10 thành viên…
Truyền dạy. Ảnh: Đỗ Thanh Mai. |
Với phần lớn các tay máy nữ, nhiếp ảnh đầu tiên chỉ là niềm yêu thích và là nghề tay trái bởi vậy khi đã thực sự đam mê, họ phải biết sắp xếp công việc để cân bằng cuộc sống. Không phải cuộc chơi đơn thuần, các nữ nhiếp ảnh gia mang về cho làng ảnh Việt Nam rất nhiều giải quốc tế. Họ vẫn kiện định dấn thân vào thế giới nghệ thuật ánh sáng, dù hiểu rằng khi ống kính máy ảnh hướng về phía những khoảnh khắc đẹp thì đằng sau nó là sự vất vả thầm lặng, thậm chí cả những hi sinh, đánh đổi./.
Sức khỏe cho cộng đồng. Ảnh: Bạch Yến. |
Sản phẩm biển. Ảnh: Thùy Mai. |
Ngày mới. Ảnh: Mỹ Châu. |
Đua xe địa hình. Ảnh: Trương Thị Hà. |