Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ

Nhà văn Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Mùa xuân-Tổ quốc và Mẹ, có ai không có mùa xuân của riêng mình, có ai không có Tổ quốc và Mẹ, những giá trị tinh thần thiêng liêng nuôi dưỡng và bao bọc để trưởng thành và thành công.

Giao thừa, khoảnh khắc linh thiêng trời đất giao hòa âm dương hợp quyện, vạn vật bừng lên sức sống mãnh liệt để đón chào mùa xuân mới. Và khi cả không gian như trầm mặc, vạn vật thanh tịnh, tinh khôi, hòa vào tiếng chuông thả từng nhịp, buông những âm thanh linh diệu, cảm giác như năm tháng bềnh bồng trôi, đêm sâu vô thường, trời đất chuyển mình, tâm can bỗng lay động và nhận ra mình đang tồn tại ở cõi nhân gian này. Rồi như một hồi ức trong cái chớp mắt, hiện rõ những gì đã trải nghiệm của năm tháng qua, để bước vào một "tiết" mới, đứng trước những vận hội mới đầy hy vọng tươi đẹp.

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 1

Đêm giao thừa đón mùa xuân với người Việt còn là đêm thơm thảo nhất của con cháu đối với tiền nhân, dù không phải ngày giỗ kỵ, nhưng lại mang tâm trí vọng nhớ, biết ơn, đặc biệt là mong được gần gũi giao cảm với người đã khuất, để được biểu hiện lòng thương nhớ, niềm tôn kính...  Giao thừa là khoảnh khắc mọi người được lắng tâm can, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, sướng khổ ai cũng được quây quần đoàn tụ dưới mái ấm gia đình của mình ở quê mẹ, ngay cả khi phải tha phương cầu thực, bươn trải lập nghiệp nơi đất khách cũng đều hướng về quê mẹ - Tổ quốc, để xao động, rưng rưng, xốn xang bồi hồi...

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 2Ảnh: thethaovanhoa.vn

Giao thừa nghinh xuân Tân Sửu 2021, cũng như hơn hàng nghìn mùa xuân lập quốc của nước Việt, nhưng hình như có chút khác biệt, bởi một năm cũ ngổn ngang, bề bộn, âu lo, xáo trộn qua những thảm hoa thiên nhiên, dịch bệnh, thảm họa môi trường… Đồng thời lại là một năm Việt Nam khẳng định với thế giới nhiều giá trị truyền thống trong cộng đồng, để cùng chung tay làm nên sức mạnh, chiến thắng dịch bệnh đang hoành hành toàn cầu. Và đặc biệt, như một đồng vọng tinh thần yêu nước, nâng tầm giá trị văn hóa Việt, mùa xuân Tân Sửu này, hai chữ Tổ quốc và Mẹ được nhắc đến nhiều nhất, không chỉ trong các chủ đề xuân trên truyền thông, trong giới văn nghệ sĩ, mà còn lan tỏa rộng trong cộng đồng với nhiều dạng thức thể hiện, bình dị mà sâu sắc…Tổ quốc và Mẹ là câu thơ như đồng dao miền quê Việt, Tổ quốc và Mẹ  là những chiếc khăn lụa Việt mang hình ảnh văn hóa Việt, Tổ quốc và Mẹ là câu thơ lục bát về nỗi nhớ quê hương của người Việt xa xứ…

Cách đây mấy năm, tôi đã ấn tượng với dự án nghê Việt ở các nơi thờ tự đình - đền - chùa - miếu mạo hay các công trình kiến trúc dân dụng, loại bỏ những con nghê ngoại lại, trả lại giá trị văn hóa mang hồn thuần Việt, của các nhà báo chuyên đề văn hóa. Kết quả, hình ảnh con nghê thuần Việt đã được định danh giá trị, và từ dự án này, nhiều dự án khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa thuần Việt đã được đề cập. Ví dụ như dự án “Áo dài Việt”, đặc biệt là áo dài 5 thân thuần Việt đã được khôi phục như một hình mẫu tương lai cho dự án “quốc phục” Việt…

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 3Đại sứ Phạm Sanh Châu và các em nhỏ cùng các bạn trẻ trong trang phục áo dài. Ảnh: Mỹ Trà.

Lụa tơ tằm Việt đã thành danh và sánh ngang với các loại lụa danh tiếng của thế giới, nhưng vẫn khá truân chuyên trong hành trình giới thiệu “văn hóa- văn minh” lụa Việt với bạn bè quốc tế. Nhưng có lẽ từ mùa xuân Tân Sửu này, lụa Việt chắc sẽ có gương mặt mới - đại sứ văn hóa, qua những vuông khăn lụa có in những hình ảnh tinh hoa văn hóa Việt. Tôi đã nghĩ thế khi được cô bạn gái tặng quà xuân là ba tấm khăn lụa tơ tằm thuộc dòng tơ Bảo Lộc, Lâm Đồng. Và đó cũng là sản phẩm khởi nghiệp của cô, thực hiện ước mơ của người Mẹ đã về miền xa, muốn có những sản phẩm thuần Việt, mang tinh thần giá trị văn hóa Việt, để không chỉ người Việt dùng mà còn là một sản phẩm quà tặng đến bạn bè quốc tế khi tới Việt Nam. Chiếc khăn mang tên “Thiên hạ Thái bình”, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, thế giới có thái bình, quốc gia mới thịnh vượng, nhà nhà mới an khang. Khoác khăn lụa “Thiên hạ thái bình” là có thể trở thành đại sứ văn hóa hòa bình khi mang thông điệp nhân văn sâu sắc từ kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam về mối quan hệ hài hòa giữa bản thân với đất nước và ngôi nhà chung trái đất.

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 4Bức tranh dân gian Đông Hồ Thiên hạ Thái Bình (phải) và phiên bản của tranh được lấy cảm hứng trên khăn lụa tơ tằm hiện đại.
Chiếc khăn “Trống đồng Ngọc Lũ”. Vâng! Trống đồng Ngọc Lũ là niềm tự hào của người Việt về một vật phẩm vừa là một nhạc khí, vừa là một vật thiêng trong văn hóa của người Việt cổ. Quàng chiếc khăn này, ngoài vẻ đẹp sang trong, tinh tế đậm đà bản sắc dân tộc, thì dù là nhà ngoại giao, doanh nhân hay là một du học sinh thậm chí là người nước ngoài…, là đã trở thành là “Đại sứ Văn hóa” của Việt Nam.

Chiếc khăn “12 con giáp” theo hình họa của họa sĩ Phạm Hà Hải, là sự kết hợp triết lý phương Đông huyền bí mà sâu sắc, uyên thâm, với nghệ thuật truyền thống kết hợp phong cách hiện đại. Quàng chiếc khăn này, ngoài sự lịch lãm, còn thể hiện phong cách trẻ trung, thời thượng, có thể là “Đại sứ văn hóa Mỹ thuật ứng dụng đương đại Việt”.

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 5Khăn "12 con giáp"

Tuổi trẻ có cách giao tiếp, tiếp cận, nhìn nhận và hưởng thụ giao thừa mới mẻ theo xu hướng 4.0, và rất khác biệt truyền thống. Người trẻ số hóa đêm giao thừa bằng những xu hướng, trào lưu từ cuộc sống hiện đại như cà phê phố, ly rượu mừng, nụ hôn trao nhau, hay những tin nhắn lời chúc đã lập trình bằng những icon hay ngôn từ có sẵn trên mạng…, thậm chí là những cuộc du xuân xuyên đêm giao thừa. Nhưng đó chỉ là lớp vỏ, trong trái tim người trẻ vẫn đang hòa nhịp cùng hơi thở của đất trời, vẫn lan tỏa giấc mơ khát vọng tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sự cống hiến.

Luật sư - nhà thơ trẻ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu khi nghĩ về Tổ quốc và Mẹ, cũng có những đau đáu trăn trở, không đứng ngoài thời cuộc: “Sống giữa những ngày mà người ta phải khốn đốn lắm mới kiếm được miếng ăn cầm cự mong tới kỳ “hậu dịch”, được chiêm ngắm những vật phẩm đơn sơ, mộc mạc đã giúp bao con người nương vượt qua dĩ vãng khó khăn mà tiếp tục can đảm bước qua khó khăn,... ta như kẻ ngắm mà không đơn thuần ngắm, chiêm cảm mà như chiêu cảm, nhẹ nhõm ký thác nỗi buồn cho quá khứ sau lưng...”

Nhưng câu thơ của anh thì lại giản dị ấm áp như một bài đồng dao:

Xa nhà nhớ chén canh cua

Nước tương cà pháo rau dưa muối vừng...
Nhớ nồi bánh nếp mẹ chưng
Nhớ kiềng bếp củi nhớ từng bậc ao 

Nhớ chiều gió thổi lao xao
Nhớ đôi diều giấy dắt nhau về trời
Nhớ giàn liếp thuốc làng phơi
Nhớ đêm trăng sáng cùng chơi trốn tìm…

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 6Ảnh: thoibaonganhang.vn

 Và với những người Việt xa xứ, thì Tổ quốc và Mẹ luôn the thắt hoài nhớ, họ gắng làm việc, dành dụm, để mỗi cuối năm là “trở về nhà ăn Tết” cho thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng năm Tân Sửu này, đường về nhà thật xa, không phải ngăn trở đại dương châu lục, mà do dịch bệnh đã như nỗi cách xa nghiệt ngã, mấy triệu trái tim Việt xa xứ năm nay chỉ biết vọng về quê hương trong nỗi niềm đắng đót xa xót…

Xứ người lưu lạc bao năm

Thương câu lục bát muôn ngàn dặm xa

Thầm thì mấy khúc dân ca

Mây trôi, bèo dạt, phận hoa, bến đời

Đêm khuya trăng lạnh bóng soi

Chìm trong nỗi nhớ bao lời hát ru

Quê nhà cách trở mịt mù

Xót thân xa xứ tương tư nặng sầu

Ước gì một cánh chim câu

(Lục bát xa xứ- Hoài Hương)

Kể từ khi lập quốc, cái thời khắc này vẫn như một ngóng trông mong đợi, và đón chờ như một nghi lễ thiêng liêng không thể thiếu. Vào thời  đó, mỗi người đều ở một cảnh giới từ-bi-hỉ-xả cho bản thân và cho mọi người. Càng sống, càng trải nghiệm, càng thấy được cái huyền diệu của phút thiêng liêng năm cũ vừa qua, năm mới đang đến. Chỉ trong khoảnh khắc, sự chuyển giao đất trời đã như thay đổi, cây cối cỏ hoa cựa mình đâm chồi nảy lộc, bản thân mỗi người thấy mình từng trải hơn chút ít, và quan trọng nhất là ước vọng đầu xuân như một sự vươn lên.

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 7Ảnh: thethaovanhoa.vn

Mùa xuân - Tổ quốc và Mẹ, có ai không có mùa xuân của riêng mình, có ai không có Tổ quốc và Mẹ, những giá trị tinh thần thiêng liêng nuôi dưỡng và bao bọc để trưởng thành và thành công. Tổ quốc và Mẹ, biết bao thế hệ ông cha tạo dựng, vẽ nên hình hài Tổ quốc, tạo lập nên những giá trị Việt là di sản muôn đời.

Mùa xuân – Tổ quốc và Mẹ - ảnh 8

Giao thừa, khi chiếc kim đồng hồ nhích một nhịp qua con số 12, khi vạn vật cùng hân hoan chào đón năm mới, chào đón mùa xuân, chào đón vận hội mới bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho từng người, từng gia đình, cho đất nước, cho toàn cầu… Thì ngay lúc này, ba chữ Tổ quốc và Mẹ cũng là một lời hứa trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con dân nước Việt./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu