Nghe âm thanh bài tại đây:
Năm 2023, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam được Công ty tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance định giá là đạt trên 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp vị trí thứ 33 trong top 121 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Đây là một trong những tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchicongthuong.vn |
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019-2023 là 102%.
Trong đó, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục hai con số về giá trị thương hiệu. Điều này cho thấy giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Đằng sau các thương hiệu doanh nghiệp có uy tín trên thị trường là câu chuyện của một thương hiệu quốc gia thành công.
Góp phần vào sự thành công của thương hiệu quốc gia là rất nhiều thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm của quốc gia. Do đó, giá trị thương hiệu quốc gia tăng vượt bậc cũng thể hiện sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam.
Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương, đồng thời, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel, cho biết: "Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là mục tiêu để chúng tôi sẵn sàng thích nghi có thể đáp ứng tốt, cạnh tranh tốt, để vươn ra thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập ngày một sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với thế giới."
Nhiệm vụ nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia chính là kim chỉ nam xuyên suốt của Chương trình Thương hiệu quốc gia, chương trình xúc tiến thương mại đặc thù được triển khai thực hiện từ năm 2003 đến nay.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn |
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh: "Giá trị cốt lõi của Chương trình Thương hiệu Quốc gia gồm 3 nhóm chính, gồm: chất lượng, đổi mới sáng tạo và chất lượng tiên phong. Mục tiêu hướng tới là xây dựng các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của quốc gia Việt Nam, từ đó quảng bá ra thế giới Việt Nam có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, chất lượng, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam."
Hiện nay, tăng trưởng xanh được xem là chìa khoá đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến; và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để mỗi quốc gia trở thành tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Ông Hoàng Minh Chiến cho biết thêm: "Trong giai đoạn tới, định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là thương hiệu Việt Nam xanh. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới chương trình sẽ tập trung vào triển khai 2 nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất, chúng tôi tăng cường phối hợp vùng cùng các Bộ, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia. Thứ hai, chúng tôi cũng sẽ kết nối với hệ thống các cơ quan thương vụ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp tại nước sở tại, để có thể quảng bá được sản phẩm của Việt Nam, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh quốc gia Việt Nam."
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như các Bộ, ngành liên quan, số lượng các thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao qua các năm. Đây là tiền để quan trọng để thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng có cơ hội vươn mình, cùng sánh vai với thương hiệu quốc gia của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.