Nghe âm thanh bài tại đây:
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng nhanh. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ của chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chủ động nắm bắt cơ hội, khẳng định thương hiệu Việt trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường mà còn góp phần đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Doanh nghiệp chủ động xuất khẩu qua nền tảng số
Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần.
Tổng Công ty Rau quả Nông sản, Công ty cổ phần Vegetexco, cho biết mấy năm nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu trực tiếp nhiều nông sản sang Châu Âu qua sàn thương mại điện tử Amazon nhờ tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, triển lãm, sàn thương mại điện tử, từ đó kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu. Ông Trương Anh Tùng, phụ trách kinh doanh, cho biết: "Chúng tôi phối hợp các đơn vị phân phối để đưa sản phẩm của công ty ra thị trường quốc tế, phối hợp với Amazon. Tại đây, công ty chúng tôi gặp gỡ, phối hợp để 2 bên kết nối hợp tác 1 cách trơn tru, tìm kiếm được khách hàng".
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới qua sanf thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba cũng được Công ty TNHH Đầu tư Phú Long Global lựa chọn vài năm gần đây. Ông Vũ Tiến Nam, Giám đốc công ty, cho biết: "Gian hàng trên nền tảng số như Alibaba sẽ có rất nhiều lợi thế. Đó là số lượng khách hàng lớn, quy trình trên sàn hỗ trợ nhiều cho cả người bán lẫn người mua. Người mua sẽ tin tưởng hơn khi thanh toán vì có nhiều chính sách bảo hành, người bán cũng sẽ yên tâm hơn. Việc mua, bán sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn so với kênh xuất khẩu truyền thống rất nhiều".
Thông qua tham gia tích cực vào các diễn đàn, triển lãm, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng cơ hội tiếp cận các nhà mua hàng quốc tế để xuất khẩu trực tiếp, trực tuyến, mà các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng có cơ hội trực tiếp giới thiệu, mời những nhà nhập khẩu đến tham quan nhà máy, từ đó có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng lớn hơn. Thời gian qua, nhiều thương hiệu của Việt Nam đã thành công khi tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, như: gốm sứ Minh Long, đồ dùng nhà bếp Sunhouse, nội thất BeeFunrni, nông sản Lafooco… Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
Với sự hỗ trợ của công nghệ và các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tiếp nhận đơn hàng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, kiểm soát và vận hành hoạt động bán hàng một cách hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: congthuong.vn |
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp bên cạnh sự chủ động, cần phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định của sản phẩm và môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Để doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ kiến thức, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh đưa sản phẩm thương hiệu Việt xuất khẩu qua kênh này, Bộ Công thương đã tích cực triển khai các giải pháp. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định: "Bộ Công thương có rất nhiều chương trình trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp. Chúng tôi tổ chức hội thảo liên kết vùng, tập huấn rất kỹ về thương mại điện tử. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hướng dẫn phải làm gì để tham gia sàn thương mại điện tử và cách thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, có các lớp tập huấn. Đây là xu hướng, là kênh đưa hàng Việt đi ra các nước nhanh và hiệu quả mà chúng ta cần tận dụng".
7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 227 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đạt tỷ lệ lớn. Bên cạnh xây dựng thương hiệu quốc gia để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp tăng phạm vi tiếp cận thị trường, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.