Diễn ra từ 16-20/09 tại Vienna (Áo), khóa họp 68 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ưu tiên thảo luận việc thúc đẩy ứng dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình và phát triển, trong bối cảnh vẫn có các lo ngại về an toàn hạt nhân và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Khóa họp 68 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra từ 16-20/9 tại Vienna, Áo. Ảnh: D. Calma/IAEA |
Là kỳ họp thường niên quan trọng nhất của IAEA, Đại hội đồng IAEA năm nay quy tụ các quan chức cấp cao đại diện cho 178 quốc gia thành viên của tổ chức này, thảo luận một loạt các chủ đề liên quan đến khoa học, công nghệ, ứng dụng hạt nhân cũng như các mối đe dọa với an toàn hạt nhân trên thế giới.
Hạt nhân cho lương thực, y tế và năng lượng
Ưu tiên thúc đẩy các ứng dụng hòa bình của năng lượng hạt nhân được IAEA thể hiện ngay trong ngày làm việc đầu tiên (16/09) của Đại hội đồng (ĐHĐ) khóa 68. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc (TGĐ) IAEA, ông Rafael Grossi công bố các kế hoạch hành động mới cho sáng kiến Atoms4Food (Hạt nhân cho lương thực), được IAEA và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp triển khai từ năm ngoái. Theo sáng kiến này, IAEA hỗ trợ FAO và các đối tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào việc chiếu xạ thực phẩm, loại trừ côn trùng, bảo quản thực phẩm, nghiên cứu các công nghệ cải thiện đất trồng, cải thiện vụ mùa… từ đó nâng cao sản lượng lương thực toàn cầu, đáp ứng tốt hơn với các thách thức mà biến đổi khí hậu tạo ra trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, phát biểu. Ảnh: D. Calma/IAEA |
Ưu tiên hành động lớn tiếp theo của IAEA là gia tăng việc sử dụng hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tháng 02/2022, IAEA đã cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sáng kiến mang tên “Các tia hy vọng”, tập trung vào việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển xây dựng các trung tâm xạ trị điều trị ung thư. Từ khi sáng kiến được triển khai, 86 quốc gia đã liên hệ nhờ IAEA trợ giúp và các dự án hỗ trợ đã được tiến hành tại 30 quốc gia. Nhờ các nỗ lực này, hàng triệu người trên thế giới được chẩn đoán sớm và điều trị ung thư, trong đó, chỉ trong 5 ngày họp ĐHĐ IAEA khóa 78, dự kiến có khoảng 200.000 người trên thế giới được phát hiện sớm ung thư. Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, cho biết:“Sáng kiến Các tia hy vọng, mà IAEA phối hợp cùng WHO triển khai, đang hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia thu nhập trung bình và thấp, nơi đôi khi không có lấy 1 máy xạ trị. Sự hỗ trợ của IAEA được tiến hành thông qua cung cấp thiết bị, đào tạo và đôi khi là xây dựng cả 1 trung tâm điều trị ung thư”.
Bên cạnh lĩnh vực lương thực và y tế, năng lượng cũng là một ưu tiên cao khác của IAEA. Trong báo cáo mang tên "Ước tính năng lượng, điện và năng lượng hạt nhân trong giai đoạn đến năm 2050", công bố ngay trong ngày khai mạc ĐHĐ khóa 68, IAEA dự báo đến năm 2050, năng lượng hạt nhân sẽ tăng trưởng mạnh trên toàn thế giới và công suất điện hạt nhân toàn cầu có thể đạt 950 gigawat (GW) vào năm 2050, gấp khoảng 2,5 lần so với con số năm ngoái. Mấu chốt cho sự tăng trưởng này là sự tiến bộ mạnh mẽ trong công nghệ xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMRs), vốn có thời gian xây dựng nhanh hơn và dễ vận hành hơn. Theo TGĐ IAEA, năng lượng hạt nhân đã được công nhận là một nguồn năng lượng sạch, an toàn và ngày càng nhiều quốc gia có kế hoạch xây dựng các SMRs để phát triển kinh tế, đồng thời giảm phát thải carbon. Do đó, IAEA sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về SMRs và việc ứng dụng từ ngày 21-25/10 tới tại Vienna (Áo), với ưu tiên lớn nhất là trợ giúp công nghệ này cho các nước đang phát triển.
Giảm thiểu rủi ro an toàn hạt nhân
Bên cạnh các thảo luận về thúc đẩy ứng dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển, một chủ đề khác cũng thu hút sự quan tâm tại ĐHĐ 68 của IAEA là các rủi ro an toàn hạt nhân trên thế giới, trong bối cảnh xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực. Liên quan đến “điểm nóng” về an toàn hạt nhân trong 2 năm qua là các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine, TGĐ Rafael Grossi cho biết IAEA đã thực hiện hơn 140 nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên tại nhiều nhà máy điện hạt nhân Ukraine ở Zaporizhzhya, Rivne, Khmelnytskyy. Mới đây, đích thân ông Rafael Grossi cũng có chuyến thị sát nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Kursk của Nga, nơi đang diễn ra các tranh chấp quyết liệt giữa các lực lượng của Nga và Ukraine. Người đứng đầu IAEA khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhà máy điện hạt nhân cũng cần được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ IAEA thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các cơ sở này.
Liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, người đứng đầu IAEA cho biết mong muốn nối lại các thảo luận với Tổng thống mới của Iran, ông Masoud Pezeshkian, trước tháng 11 năm nay, với hy vọng có thể hồi sinh thảo thuận hạt nhân P5+1 trước khi có các thay đổi trên chính trường Mỹ: “Tôi mong đợi thảo luận với tân Tổng thống Iran và chính phủ Iran và việc tiếp tục các nỗ lực đem lại các đảm bảo vững chắc cho cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình. Vẫn còn những thách thức phía trước nhưng không phải là không thể vượt qua được”.
Trong một diễn biến khác đáng chú ý liên quan đến vấn đề hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân và giảm căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, IAEA cũng sắp hoàn tất thỏa thuận với Saudi Arabia về việc sẽ thực thi cơ chế giám sát thường xuyên và toàn diện các cơ sở hạt nhân tại quốc gia này kể từ cuối năm nay. Đây được xem là bước tiến tích cực trong bối cảnh có một số lo ngại về việc các quốc gia đối địch tại Trung Đông theo đuổi các chương trình hạt nhân riêng vì mục đích phi hòa bình.