Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh

Chia sẻ
(VOV5) - Ngành y tế thành phố đang tiếp tục hướng đến xây dựng và hoàn thiện bệnh viện thông minh, nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị sức khỏe người dân.

Thực hiện đề án chuyển đổi số mạnh mẽ của chính phủ, năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khởi động 2 hoạt động trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành y tế thành phố, đó là: xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế. Nhiều mô hình, điểm sáng về chuyển đổi số trong lĩnh vực này đã và đang mang lại lợi ích cho người dân.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh - ảnh 1Người dân kiểm tra giá viện phí bằng màn hình cảm ứng thông minh tại Bệnh viện Ung bướu 2 TP.HCM. Ảnh: Kim Dung

Chị Nguyễn Thị Bích Thu, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, được nhân viên y tế hướng dẫn lấy dấu vân tay, đăng ký bằng kios, kiểm tra các thông tin cá nhân và thẻ Bảo hiểm y tế. Sau đó chị Thu chọn chuyên khoa, chọn phòng khám và nhận số thứ tự. Mọi thao tác đơn giản và nhanh chóng khiến chị cảm thấy rất hài lòng.

Chị Nguyễn Thị Bích Thu chia sẻ: "Bây giờ mình thấy bệnh viện có tiếp nhận vân tay thì thấy nhanh gọn và tiện lợi hơn nhiều. Mình không phải chờ đợi lâu ở quầy tiếp nhận. Song song đó là mình có thể tự làm vì có bàn hướng dẫn sẵn luôn. Mình thấy làm như vậy rất hài lòng, trong vòng có một phút thôi và có thể đóng tiền khám bệnh trực tiếp luôn, không cần phải ra quầy tài vụ đợi lâu vì lượng bệnh nhân của bệnh viện khá đông."

Áp dụng công nghệ sinh trắc học ở kios thông minh là một cải tiến của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong khâu tiếp nhận bệnh nhân khám Bảo hiểm y tế. Ở những lần khám sau, bệnh nhân chỉ cần quét vân tay, các thông tin về Bảo hiểm y tế, căn cước công dân... đều hiện thị lên màn hình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết đến nay có khoảng 20.000 người đã đăng ký khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng dấu vân tay. Với quy trình này, người bệnh mất từ 1 phút đến 1,5 phút để lấy số thứ tự và vào phòng khám. Trong khi đó, nếu đăng ký thông thường, bệnh nhân phải thực hiện nhiều bước như lấy số đăng ký khám bệnh, đến quầy Bảo hiểm y tế hoặc quầy thu viện phí rồi mới được cấp số thứ tự vào phòng khám. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: "Việc triển khai quy trình tiếp nhận bằng dấu vân tay qua kios thông minh  làm tăng sự hài lòng của người bệnh lên rất nhiều. Đồng thời cũng đảm bảo được việc thực hiện đúng người bệnh, đảm bảo đủ  những quyền lợi của người bệnh khám Bảo hiểm y tế theo đúng quy định, tránh có sự lạm dụng, sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế không đúng người bệnh."

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh - ảnh 2Ứng dụng phần mềm trí tuệ nhận tạo EyeDr để tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị ở BV Mắt TP.HCM. Ảnh: Kim Dung

Tại Bệnh viện Ung bướu 2 thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức), công tác chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào khám chữa bệnh được triển khai từ tháng 4 năm nay. Đến nay, bệnh viện đã hoàn thiện hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử, liên kết các kết quả xét nghiệm và hình ảnh học của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện đang hợp tác với các cơ sở nghiên cứu nhằm xây dựng các phầm mềm hỗ trợ việc xác định vị trí khối u trên hình ảnh học, triển khai các phần mềm hỗ trợ phân tích kết quả giải phẫu bệnh, lập kế hoạch điều trị… Hiện, bệnh viện tiếp nhận 75-80% là bệnh nhân đến từ các tỉnh thành lân cận, 20-25% là người dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc triển khai các hoạt động hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa được đánh giá là quan trọng trong xóa bỏ các nút thắt giao tiếp vật lý và khoảng cách địa lý.

Còn ở Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, năm ngoái, lần đầu tiên bệnh viện áp dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn của ngành nhãn khoa Việt Nam. Đó là đưa vào tầm soát bệnh glôcôm (bệnh cườm nước) bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr. Thông thường, để đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh gai thị, bác sĩ chuyên khoa glôcôm mất 45 giây và bác sĩ nhãn khoa mất 6 – 8 phút, thế nhưng với AI EyeDr, các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất 8 – 12 giây và độ chính xác lên đến trên 90%. “Trợ lý” AI EyeDr cũng giúp cho các bác sĩ, chuyên gia có thể dễ dàng hội chẩn từ xa, giúp cho việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân nhanh chóng và dễ dàng, còn người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Theo Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, có được kết quả bước đầu như vậy là do bệnh viện có quy trình đầu tư về lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, xây dựng nguồn lực để củng cố và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện: "Yếu tố đầu tiên là bắt đầu từ con người. Muốn chuyển đổi số tốt thì phải có con người số. Yếu tố quan trọng thứ hai là chúng ta phải có chiến lược và kế hoạch thực hiện chuyển số một cách bài bản, khoa học và dài hơi. Như vậy, bệnh viện đã bắt đầu ngay từ khâu thiết kế hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số."

Có thể khẳng định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh, đã góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt y tế thành phố thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, ngành y tế thành phố đang tiếp tục hướng đến xây dựng và hoàn thiện bệnh viện thông minh, nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị sức khỏe người dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu