Nghe âm thanh bài tại đây:
Các sản phẩm của Việt Nam đang hiện diện ngày càng mạnh mẽ trên các thị trường trọng điểm truyền thống, đồng thời bắt đầu khai phá các thị trường mới có nhiều tiềm năng tại các khu vực Nam Á, Trung Đông hay Nam Mỹ.
Nhiều sản phẩm khác của Việt Nam tìm được chỗ đứng tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Trong các kỳ Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) những năm gần đây, các gian hàng Việt Nam luôn có quy mô lớn hàng đầu Hội chợ, chỉ sau chủ nhà Trung Quốc, đồng thời nhiều sản phẩm Việt Nam, như: sữa, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, may mặc… đã định vị được thương hiệu với người tiêu dùng Trung Quốc.
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20. Ảnh: moit.gov.vn |
Một ví dụ điển hình là nhãn hàng sữa TH True Milk của tập đoàn TH hiện đã thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc và được xem là một thương hiệu nổi tiếng tại quốc gia này.
Bà Đoàn Hiểu Du (Duan Xiaoyu), Tổng giám đốc một công ty thương mại của Bắc Kinh, đánh giá cao tiềm năng của sản phẩm sữa TH mà theo bà là chất lượng cao và có ưu thế vượt trội về vị trí địa lý: “Tôi cho rằng sản phẩm sữa của Việt Nam có ưu thế hơn hẳn các mặt hàng của châu Âu và Mỹ về vận chuyển. Theo chúng tôi được biết, nếu vận chuyển bằng đường biển hoặc đường bộ, chỉ mất khoảng 1 tuần là sản phẩm có thể tới Trung Quốc và đưa đi các nơi. Từ góc độ thương mại, điều này sẽ giúp đảm bảo tốt hơn về độ tươi mới, khiến người tiêu dùng Trung Quốc có thể thưởng thức các sản phẩm sữa của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.”
Bên cạnh Trung Quốc, các sản phẩm Việt Nam cũng tiếp tục xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy trong 8 tháng năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ đạt gần 78 tỉ USD, tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu sang Mỹ ước đạt 68,1 tỉ USD, tăng 28,6% so cùng kỳ.
Tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng xâm nhập sâu hơn vào các hệ thống bán lẻ lớn của nhiều quốc gia EU, sau khi Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) loại bỏ hầu hết hàng rào thuế quan. Sự xâm nhập này thể hiện rõ nhất tại Pháp, thông qua hàng loạt sự kiện “Tuần lễ hàng Việt Nam”, tổ chức từ 4 năm qua vào các dịp lễ lớn, như: Năm mới, Trung thu, Giáng sinh… tại các hệ thống bán lẻ lớn nhất của Pháp, gồm: Carrefour, Leclerc, Système-U.
Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp. Ảnh: VOV |
Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết đây là thành quả của mô hình cộng tác ba bên giữa Cơ quan đại diện thương mại, nhà nhập khẩu và nhà phân phối, cũng như cách tiếp cận thực tiễn đi từ dưới lên: 'Trong mô hình này, lợi ích đầu tiên của Việt Nam là xây dựng được hình ảnh trong mắt người tiêu dùng quốc tế. Lợi ích thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam là có cơ hội tiếp cận với lượng người tiêu dùng đông đảo trong các hệ thống đại siêu thị tại Pháp, vốn có các tiêu chuẩn khắt khe nhất.”
Mô hình này cũng đang phát huy tác dụng tại nhiều thị trường mới nổi khác với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, như: Nga, Ấn Độ, Trung Đông… Tại Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow, sự kiện chuyên ngành thường niên uy tín và quy mô nhất tại Nga hồi tháng 9 vừa qua, các sản phẩm Việt Nam gây ấn tượng manh.
Ông Dmitry Zavgorodny, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Triển lãm và sự kiện ITE, cho biết Nga ghi nhận sự tiến bước mạnh mẽ của hàng hoá Việt Nam vào thị trường nước này và đây là yếu tố giúp kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam nửa đầu năm nay tăng 51,4%, vượt 1,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Ấn Độ, Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 3 quốc gia trọng điểm “Focus Country” tại Hội chợ Thế giới Thực phẩm Ấn Độ (WFI) diễn ra cuối năm ngoái.
Một lĩnh vực khác cũng ghi nhận sự khởi sắc của các sản phẩm hàng Việt Nam là các sàn thương mại điện tử. Theo số liệu của Amazon Global Selling Việt Nam, trong giai đoạn 2019-2023, số lượng sản phẩm Việt Nam bán ra trên Amazon, sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, tăng gấp 3 lần. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần và số lượng đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon tăng gấp 3 lần.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo sức bật lớn cho hàng Việt Nam vươn ra toàn cầu: “Cốt lõi của thương mại điện tử xuyên biên giới là sử dụng công nghệ số. Đây là xu thế lớn trong thời gian vừa qua và chúng ta đã đánh giá đúng sự phát triển của nó. Tôi hoàn toàn thống nhất với kế hoạch thương mại điện tử của Chính phủ sắp tới khi coi thương mại điện tử xuyên biên giới là một cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.”
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việc nhiều sản phẩm của Việt Nam hiện diện ở thị trường truyền thống và bắt đầu xuất hiện ở các thị trường mới cho thấy những thay đổi tích cực của hàng Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.