Doanh nghiệp Việt tự tin giải bài toán số hóa cảng biển ở Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Số hóa cảng biển là nhu cầu tất yếu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hải khu vực cũng như thế giới, Việt Nam đã và đang không ngừng đầu tư công nghệ vào ngành dịch vụ này. Các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số logistics, trong đó cung cấp các giải pháp cảng biển số (Vietnam Smarthub Logistics – VSL).

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Hiện nay, Việt Nam đang có 145 cảng container hoạt động ở 25 địa phương. Sự liên kết khối lượng hàng hóa ra vào cảng lớn và việc vận hành lớn, nhưng do mọi hoạt động đều diễn ra theo cách thức thủ công nên gây ra những khó khăn nhất định trong tổ chức quản lý và phát triển hệ thống cảng biển.

Đầu tiên là liên quan đến kho cảng biển. Trước đây, khi chưa có giải pháp công nghệ nội địa Việt Nam đáp ứng yêu cầu khai thác, các cảng chọn mua giải pháp của nước ngoài với chi phí vài trăm tỉ đồng, chưa kể chi phí duy trì, nhân lực, nâng cấp hằng năm. Đặc biệt, có những cảng biển 1 năm tiêu tốn gần 3,5 triệu USD chỉ cho việc bảo trì. Đây là một thách thức rất lớn cả về nhân lực và tài chính. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đã đồng hành giải quyết những khó khăn này.  

Doanh nghiệp Việt tự tin giải bài toán số hóa cảng biển ở Việt Nam - ảnh 1Bốc xếp container tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Đông Hà/tuoitre.vn

Giải pháp VSL được hiểu là các quy trình trong cảng biển được số hoá và tổ chức thông qua một nền tảng trực tuyến. Hệ thống này giúp cải thiện sự tương tác và tra cứu thông tin giữa các đơn vị liên quan. Thay vì sử dụng nhiều ứng dụng phần mềm khác nhau, giải pháp VSL cung cấp một nền tảng đầy đủ cho toàn bộ quy trình cảng biển. Hơn nữa, hệ thống cũng tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hoá các quy trình và giảm thời gian xử lý.

Ông Trần Kiên, Phó Tổng giám đốc Advantech Global Việt Nam, một doanh nghiệp xây dựng giải pháp số cho cảng biển Việt Nam, cho biết: "Bản thân Advantech đã thiết kế các giải pháp cho mô hình cảng thông minh, gồm các modul như: quản lý cảng ra vào, sắp xếp container, vận hành cầu trục, quản lý kho bãi, kho lạnh, container, đội xe, khai thác cầu cảng, kết nối wifi trong hệ thống cảng thông minh. Hiện, các cảng đều sử dụng một phần mềm riêng, đóng vai trò là hệ thống giúp khai thác, kiểm soát hàng hóa thuận lợi hơn, giúp người vận hành có quyết định chính xác hơn".

Doanh nghiệp Việt tự tin giải bài toán số hóa cảng biển ở Việt Nam - ảnh 2Việc giao nhận cổng trước đây giao dịch trực tiếp mất 5-8 phút, với giải pháp VSL thì chỉ quét QR, xác thực bằng công nghệ AI mất 3 giây. Ảnh: dientuungdung.vn 

Tương tự, Công ty Smarthub Logistics Technology cũng xây dựng một hệ sinh thái, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số toàn diện của ngành cảng biển. Trước đây, việc xác thực container qua cổng cảng trực tiếp mất 5-8 phút, nhưng hiện nay, với giải pháp số hóa cảng biển thì chỉ cần quét QR, xác thực bằng công nghệ AI mất 3 giây. Đối với việc giao nhận cầu tàu, trước đây công nhân kiểm soát bằng mắt thường, ghi nhận lại bằng giấy hoặc thiết bị cầm tay, nay với VSL có thể xác thực container nhập tàu, sà lan bằng công nghệ AI.

Ngoài ra, các giải pháp VSL còn giải quyết vấn đề lưu trữ và tra cứu thông tin một cách hiệu quả. Trước đây, doanh nghiệp cảng phải bố trí kho chứa chứng từ, lưu trữ trong thời gian 5 năm theo quy định, việc trích lục chứng từ gặp nhiều khó khăn. Sau khi ứng dụng VSL, thì việc lưu trữ trên máy chủ doanh nghiệp hoặc lưu trữ điện toán đám mây (Cloud) có nhiều tiện lợi, chi phí thấp, truy vấn tức thời.

Hệ thống cảng biển và các dịch vụ logistics gắn với khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Năng lực hạ tầng cảng biển được đầu tư thời gian qua, trong đó có việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ, đã góp phần tạo thế chủ động cho Việt Nam ứng phó với các vấn đề kinh tế toàn cầu, thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistic cảng biển, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp Việt tự tin giải bài toán số hóa cảng biển ở Việt Nam - ảnh 3Việc giao nhận cầu tàu, trước đây công nhân kiểm soát bằng mắt thường, ghi nhận lại bằng giấy hoặc thiết bị cầm tay, nay với VSL có thể xác thực container nhập tàu, salan bằng công nghệ AI. Ảnh: dientuungdung.vn 

Ông Marcello Piazza, Giám đốc điều hành Công ty vận tải hàng hóa JAS Worlwide, nhận định: "Lĩnh vực logistic của Việt Nam phát triển tốt theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, thị trường logistics của Việt Nam rất hấp dẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm công ty chúng tôi và nhiều công ty đa quốc gia khác trong lĩnh vực này, đổ nguồn vốn lớn vào đầu tư. Khả năng cạnh tranh của Việt Nam nằm ở sự năng động của nhiều doanh nghiệp trẻ với nhiều ý tưởng mới đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, triển khai các cơ sở hạ tầng. Những yếu tố này khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam."

Phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao, khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế thành công, đặc biệt là đối với các quốc gia mạnh về xuất khẩu. Tại Việt Nam, số hóa cảng biển là nhu cầu tất yếu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Việc nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước tự tin cung cấp các giải pháp số về quản lý và điều hành, thanh toán trực tuyến, xây dựng các hệ sinh thái logistics cảng biển theo tinh thần của chiến lược Make in Vietnam sẽ giúp ngành kinh tế cảng biển ở Việt Nam phát triển và hội nhập bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu