Đà Nẵng: Xây dựng hạ tầng, dữ liệu số làm cơ sở cho đô thị thông minh

Vinh Thông
Chia sẻ
(VOV5) - Trung tâm IOC hoạt động dựa trên tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị và hỗ trợ ra quyết định.

Tháng 1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Mục tiêu đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Để thực hiện, thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách kịp thời, nhất quán để chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng số phục vụ cho công cuộc triển khai thành phố thông minh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Sau hơn một năm triển khai, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sử dụng hoá đơn điện tử thay hoá đơn giấy truyền thống trước đây. Bước chuyển này đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp minh bạch thông tin, hiện đại hoá trong công tác quản lý thuế…

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, hộ kinh doanh ở quận Hải Châu, cho biết: "Từ khi ngành thuế chuyển đổi sang dùng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy, chúng tôi thấy rất thuận lợi, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian. Hộ kinh doanh không cần phải đến cơ quan thuế để mua hoá đơn. Bây giờ có thể chủ động xuất hoá đơn điện tử bất cứ lúc nào".

Đà Nẵng: Xây dựng hạ tầng, dữ liệu số làm cơ sở cho đô thị thông minh - ảnh 1Trung tâm IOC thể hiện cam kết, quyết tâm của thành phố Đà Nẵng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh - Ảnh: VOV

Thành công đáng ghi nhận của thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số thời gian qua là sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, sự hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp… Nhiều ứng dụng, tiện ích liên tục được thành phố triển khai, cập nhật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sử dụng. Từ đó, tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đồng hành với chính quyền trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội…

Một dấu ấn quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh là việc đưa Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) vào vận hành. Sau thời gian thí điểm triển khai (theo dạng mini IOC), Trung tâm chuyên ngành camera giao thông (OC giao thông), camera an ninh, Trung tâm IOC giai đoạn 1 hoạt động theo mô hình được trang bị công cụ tổng hợp, phân tích tập trung tại IOC cấp thành phố; kế thừa, sử dụng dữ liệu số hiện có của các ngành, các trung tâm điều hành (OC) quận/huyện và OC chuyên ngành được phân cấp, ủy quyền để sử dụng chung với IOC thành phố.

Trung tâm  IOC thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Từ đó phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng, cho biết: "IOC kịp thời chia sẻ dữ liệu cho người dân, du khách để có những thông tin trong trường hợp khẩn cấp như khi có thiên tai, bão lũ, các tình huống kẹt xe, mưa ngập diện rộng trên địa bàn thành phố… Qua đó, người dân, du khách chủ động có biện pháp kịp thời ứng phó".

Đà Nẵng: Xây dựng hạ tầng, dữ liệu số làm cơ sở cho đô thị thông minh - ảnh 2Trung tâm IOC là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu - Ảnh: VOV

Trung tâm IOC hoạt động dựa trên dữ liệu, tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để giám sát, phân tích, hiển thị và hỗ trợ ra quyết định, chỉ đạo điều hành. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, khẳng định việc đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đây là tiền đề, động lực để Đà Nẵng tiếp tục triển khai toàn diện các giải pháp xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

"Thành phố Đà Nẵng triển khai mô hình chính quyền đô thị, trong đó chú trọng giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, uỷ quyền. Do vậy, thành phố Đà Nẵng xác định cần phải có Trung tâm giám sát, điều hành và đặt ra nhiệm vụ triển khai từ năm 2020. Thành phố xác định vẫn còn rất nhiều việc phải nỗ lực, phải phấn đấu ở phía trước, để có thể từng bước thay đổi trên hành trình xây dựng thành phố thông minh của thành phố Đà Nẵng, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số" - Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.

Nhờ những cách làm hay trong công cuộc chuyển đổi số trong thời gian qua mà thành phố Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, liên tiếp trong 3 năm 2020, 2021, 2022, thành phố Đà Nẵng được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao giải thưởng thành phố thông minh, giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho các thành phố/đô thị; Xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đây là minh chứng cho những nỗ lực của thành phố trong quá trình xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu