Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam

nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh/ Thu Hoa BT
Chia sẻ
(VOV5) - Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách.

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Cao Viết Sinh đã có bài viết về xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.VOV5 trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Những kết quả cụ thể

(1) Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện, có nhiều đặc điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Ban hành Hiến pháp năm 2013 và tập trung sửa đổi, hoàn thiện các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, đấu giá tài sản, giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm...  

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam - ảnh 1Thông qua VRDF, các đối tác quốc tế đề xuất nhiều giải pháp giúp Việt Nam phát triển.
Ảnh: Đức Thanh 

(2) Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển mạnh, trở thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển khá đa dạng về loại hình, chất lượng sản phẩm; quy mô tăng nhanh. 

(3) Thể chế môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện và bước đầu tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến rõ nét; quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh được cải thiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam - ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm từ 267 ngành năm 2014 xuống còn 243 ngành năm 2016. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng cao. Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí 88/183 năm 2010 tăng lên vị trí 69/190 nước.

(4) Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được hoàn thiện với quy định về vai trò của nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; đổi mới phương thức quản lý; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Việc tổ chức thi hành pháp luật từng bước được tăng cường, nhất là trong những năm gần đây. Các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

Một số định hướng hoàn thiện

Trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. 

Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sang tạo. Việc tạo khuôn khổ pháp lí thích ứng với các nguyên tắc thị trường là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển mạnh thị trường đất, quyền sử dụng đất một cách thực sự thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.  Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 

Nhà nước coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển. Đồng thời, nhà nước chủ động kiểm soát, tác động vào thị trường để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường.

Cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp. Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt.

Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, thu gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tư xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.

Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu