Nhiều mặt hàng như rau quả, cà phê, hạt điều, các sản phẩm từ gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt gia trị kim ngạch trên 2 tỷ USD. Bất chấp khó khăn do dịch Covid 19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, phấn đấu cả năm, toàn ngành nông nghiệp đạt trên 41 tỷ USD từ xuất khẩu.
Vào thời điểm này và cả những tháng trước, khi mà dịch Covid19 liên tiếp gây những tác động lớn tới mọi mặt, việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn hoạt động bình thường. Những chuyến xe tải chở nặng hàng xuất khẩu liên tục ra vào Công ty, vận chuyển hàng đến nơi tập kết, để đến nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, với thế mạnh là các sản phẩm chất lượng cao, Công ty luôn chọn những bạn hàng được xem là khó tính nhưng có tính ổn định lớn để giao dịch.
Bất chấp khó khăn do dịch Covid 19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng. Ảnh minh họa: vinanet.vn |
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: “Công ty chúng tôi đã xây dựng được thị trường trong nước và nước ngoài rất ổn định. Tuy là những thị trường khó tính nhưng sản lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, giá thành cao. Chính vì thế chúng tôi luôn coi thị trường khó tính là mục tiêu của mình, từ đó tìm được đầu ra cho sản phẩm ổn định.”
Thời gian qua, các lô xuất khẩu nông sản sang Thị trường Châu Âu (EU) tận dụng ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) như: Thủy sản tôm đông lạnh, chanh leo xuất khẩu sang Đức; Trái cây (gồm bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; Gạo thơm xuất khẩu sang CH Czech.... Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU.
Tại khu vực Tây Nguyên, chanh leo chế biến xuất khẩu là một trong những mặt hàng thời gian qua có sự phát triển mạnh, có đầu ra rất ổn định. Đặc biệt từ khi có nhà máy chế biến chanh leo xuất khẩu được xây dựng tại huyện MangYang, tỉnh Gia Lai, đầu ra quả chanh leo đã giải quyết, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho mặt hàng chế biến có giá trị này.
Bà Nguyễn Thị Thịnh ở xã Đắc Di Răng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Vùng đất cao nguyên này, chúng tôi chuyển đổi cây trồng sang cây chanh dây. Cây chanh sinh trưởng tốt và sản lượng cao. Trước chỉ trồng 100 gốc nhưng thu hoạch hàng tấn… Giờ có công ty về thu mua tiêu thụ, chúng tôi quyết định mở rộng diện tích để trồng chanh leo.”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt gần 3,7 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản và lâm sản chính tương đương tháng 10. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn có với cùng kỳ, như: Gạo, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nhận định: Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này tới nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn rất lớn.
Để tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường thế giới, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân: “ Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi giống cây trồng hợp lý để tạo được giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Đặc biệt là giải quyết vấn đề đầu ra cho người nông dân. Đây là mắt xích rất quan trọng để chúng ta giải quyết mục tiêu kép là nâng cao sản lượng và giải quyết đầu ra của hàng hóa cho người dân.” – Ông Toản khẳng định.
Để xuất khẩu nông sản tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ. Giải pháp trong thời gian tới, nhất là chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp đối với lĩnh vực chế biến, chế biến sâu. Tập trung đẩy mạnh triển khai, thực hiện một số cơ chế, chính sách chủ yếu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xây dựng và hoàn thiện các Đề án, Chiến lược bao gồm: “Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030” và “Đề án Phát triển ngành chế biến rau củ quả giai đoạn 2021-2030”.