Việt Nam có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn. Trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới.
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị điện gió Việt Nam năm 2022. Ảnh: Nguyên Long/ VOV |
Đây là cơ hội tốt để Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là khẳng định của đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 - Vietnam Wind Power (VWP) do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức sáng nay (1/12) tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng, khẳng định thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt từ nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 27% tổng công suất điện hệ thống, và lên tới khoảng 59% vào năm 2050. Các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.
Ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh: "Phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, khảo sát khu vực biển, đánh giá tác động môi trường".
Quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 22 trên thế giới về công suất lắp đặt.