Ngày 21/10, tọa đàm “Sáng tạo khởi nghiệp trong xu thế kinh tế tuần hoàn” do Viện Pháp tại Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Unesco tại Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tọa đàm có sự tham gia của TS Bùi Thị Thanh Hương, Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU - SIS) và GS Emmanuelle Ledoux, Tổng giám đốc của Viện kinh tế tuần hoàn quốc gia của Pháp (INEC).
Từ thực tế, kinh tế tuần hoàn là sản xuất hàng hóa và dịch vụ một cách bền vững bằng cách hạn chế tiêu thụ, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên và giảm thiểu việc phát thải. Mô hình này dựa trên việc sáng tạo ra các vòng tuần hoàn các giá trị tích cực mỗi lần sử dụng hay tái sử dụng vật liệu hay sản phẩm trước khi đến giai đoạn tiêu hủy cuối cùng. Kinh tế tuần hoàn chú trọng đến cách thức thiết kế, sản xuất và tiêu dùng mới, kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, ưu tiên sử dụng hơn là sở hữu, tái sử dụng và tái chế các thành phần.
Mô hình công nghiệp hiện nay là mô hình tuyến tính. Đó là “ khai thác, sản xuất, tiêu dùng và vứt bỏ”, với nguyên tắc chủ đạo là tìm kiếm sự tăng trưởng vô hạn. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên cho sự tăng trưởng này lại không như vậy và các ảnh hưởng về môi trường từ mô hình xã hội của chúng ta đang ngày càng trở nên đáng báo động. Vì vậy, ngành công nghiệp trong tương lai sẽ phải tuần hoàn bằng cách tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, tăng cường sử dụng các sản phẩm địa phương, cải thiện tính cạnh tranh công nghiệp và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhiều mô hình tồn tại và được xác định để hướng tới nền công nghiệp tuần hoàn.
Những ý tưởng, mô hình sáng tạo khởi nghiệp trong bối cảnh xu hướng của nền kinh tế tuần hoàn mang nhiều ý nghĩa nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng vì một cuộc sống xanh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hiểu biết về tiềm năng chuyển giao công nghệ của các tổ chức doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ được đề cập trong tọa đàm.