Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác và tư vấn chính sách của OECD, sẵn sàng phối hợp với OECD cung cấp số liệu để có được các nghiên cứu, phân tích, phản ánh và tư vấn chính sách khách quan, đa chiều.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Mathias Cormann. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế như tiêu dùng, xuất khẩu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đổi mới sáng tạo...
Tổng Thư ký OECD đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á; bày tỏ ấn tượng với chủ trương, đường lối, cách thức phát triển của Việt Nam; nhận định thành quả phát triển hiện nay cho thấy Việt Nam đã có chính sách, hướng đi đúng đắn.
Tổng Thư ký cho rằng hợp tác Việt Nam – OECD là hợp tác hai chiều, hai bên học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm phát triển; cam kết OECD sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển và sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phục hồi, cải cách kinh tế hướng đến các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tổng Thư ký cho biết OECD sẽ phối hợp chặt chẽ để Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2025 và thực hiện Chương trình hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022-2026.
Cùng ngày, tiếp ông Mathias Cormann tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn OECD tiếp tục cung cấp những khuyến nghị chính sách giá trị cho Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, giáo dục, huy động nguồn lực phục vụ phát triển bền vững…
Bộ trưởng đánh giá việc OECD hỗ trợ Bộ Ngoại giao cử cán bộ điều phối làm việc tại OECD là hoạt động thực chất, đóng góp tích cực vào công tác đào tạo cán bộ ngoại giao làm việc trong môi trường đối ngoại đa phương.