Tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế

VTC
Chia sẻ
(VOV5) - Ninh Thuận đã mạnh dạn triển khai các cơ chế, chính sách mới, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Nằm ở trung tâm của tứ giác du lịch Nam Trung Bộ, gồm: Đà Lạt, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) và Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận là tâm điểm giao thương kinh tế, văn hoá của vùng. Chính vì vậy, Ninh Thuận đang đẩy mạnh  xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, khai thác tối đa lợi thế vị trí, tài nguyên du lịch, trở thành điểm sáng đầu tư, kinh tế, của khu vực và cả nước.
Tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - ảnh 1Ninh Thuận sẽ phát triển và hình thành dải đô thị ven biển. Ảnh: plo.vn

Năm 1992, khi tỉnh Ninh Thuận mới tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh chỉ có chưa đến 500km, với những tuyến đường cũ, nhỏ hẹp, xuống cấp. Ninh Thuận đã mạnh dạn triển khai các cơ chế, chính sách mới, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, hệ thống mạng lưới giao thông của tỉnh đã phát triển toàn diện, với tổng chiều dài trên 1.500 km, trong đó, các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh là 174 km, 14 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 324 km, cùng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng khác.

Một trong những dự án đã giúp Ninh Thuận chuyển mình là dự án đường ven biển từ Bình Tiên (huyện Thuận Bắc) đến Cà Ná (huyện Thuận Nam), dài gần 106 km. Dự án hoàn thành năm 2015, góp phần hoàn thành một bước cơ bản về hạ tầng giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của biển và ven biển địa phương, nhất là tiềm năng về năng lượng tái tạo và du lịch. Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận định hướng phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển, gồm: Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang Tháp Chàm, Sơn Hải và Cà Ná, để hình thành đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Ông Nguyễn Như Nguyện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Thực hiện mục tiêu này, ngành xây dựng đã chủ động tham mưu cho Ủy ban tỉnh điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Chương trình này nhằm phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, ngành xây dựng cũng đã tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, ban hành Nghị quyết cũng như quyết định về thực hiện Chương trình phát triển toàn tỉnh giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là hai chương trình lớn để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch, các chương trình trong định hướng phát triển đô thị của Ninh Thuận."

Tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - ảnh 2 Tổ hợp điện gió và điện mặt trời Trung Nam ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: qdnd.vn

Mục tiêu của Ninh Thuận đến năm 2030 là hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông, có tính kết nối cao và phát huy tiềm năng, lợi thế hạ tầng giao thông cảng biển, thủy lợi đô thị, khu, cụm công nghiệp… Tỉnh Ninh Thuận hiện đang xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná, rộng khoảng 108 ha, tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Dự án có quy mô 17 bến tàu, với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng (gần 274 triệu USD), gồm các hạng mục quy hoạch, như: bến tàu, kho hàng, các công trình phụ trợ… Đây là bến cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã thông qua dự án đường nối Cảng Cà Ná lên Tây Nguyên; triển khai dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) và Vĩnh Hảo (Bình Thuận); khởi công tuyến đường nối cao tốc Bắc Nam với quốc lộ 1 và cảng Cà Ná và đường nối huyện Ninh Sơn đến huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Cảng hàng không Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Điều này sẽ giúp Ninh Thuận hoàn chỉnh đầy đủ 5 phương thức vận tải, gồm: đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa và đường không; mở ra động lực tăng trưởng mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn sẽ tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh, đặc biệt là phát triển về du lịch; mở ra một xu hướng phát triển mới cho tỉnh Ninh Thuận. Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận cũng hết sức chủ động, quyết liệt để đưa quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn vào quy hoạch quốc gia, để có thêm phương thức vận tải hàng không."

Ngoài chú trọng phát triển cở sở hạ tầng đô thị, mạng lưới giao thông… tỉnh Ninh Thông đang kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… để phát triển kinh tế. Tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 63 dự án năng lượng, với tổng vốn đầu tư trên 4,5 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh có tổng số 54 dự án hoàn thành hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất gần 3.400 MW; 04 dự án đang triển khai thi công và 4 dự án đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi công. Các công trình này đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, doanh nghiệp đang thực hiện Dự án đường điện, trạm biến áp 500kv và Dự án nhà máy điện mặt trời công suất 450 Megawat tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, cho biết: "Khác biệt của Ninh Thuận là UBND tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan định về cơ chế, chính sách và các Bộ, ngành Trung ương. Cụ thể là Nghị quyết 115 của Chính phủ ra đời đã tạo điều kiện rất quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một điểm rất khác biệt nữa là UBND tỉnh Ninh Thuận đã cùng với nhà đầu tư, làm việc với Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành, hình thành nên một dự án đầu tiên giao cho nhà đầu tư tư nhân, đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây truyền tải điện 500kv tại địa phương."

Thời gian tới, khi đoạn cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đi vào vận hành, sẽ tăng khả năng giao thương và tạo dựng một mạng lưới đường bộ giữa Cảng tổng hợp Cà Ná, Sân bay Thành Sơn… và các địa phương trong khu vực. Từ đó, Ninh Thuận sẽ tạo dựng một khu đô thị hậu cần công nghiệp, khoáng sản, năng lượng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế, để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu