Cơ hội mới cho làng nghề gốm Chăm truyền thống

Đoàn Sỹ
Chia sẻ
(VOV5) - Sức cuốn hút của gốm Chăm đối với du khách gần xa thời gian qua cho thấy tín hiệu lạc quan từ việc gắn kết phát triển du lịch với các làng nghề truyền thống. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức đón nhận bằng ghi danh của Ủy ban Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) là "Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" vào ngày 16/6, trong đêm khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận 2023.

Việc đón nhận danh hiệu này là cơ hội mới để các cấp chính quyền và bà con dân tộc Chăm nơi đây bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giữ được nghề truyền thống và tăng thu nhập từ việc làm du lịch dựa vào di sản nghệ thuật làm gốm.

Cơ hội mới cho làng nghề gốm Chăm truyền thống  - ảnh 1 Du khách nước ngoài tham quan làng nghề gồm Bàu Trúc. Ảnh: VOV

Làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề làm gốm Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận, được trường tồn cho đến ngày nay chính là nhờ việc lưu truyền bí quyết, tinh hoa làm gốm giữa các thành viên trong gia đình, từ đời này sang đời khác. Năm nay dù đã bước qua tuổi 70, nhưng nghệ nhân Trượng Thị Gạch, ở làng gốm Bàu Trúc, vẫn miệt mài với nghề gốm truyền thống của tổ tiên.

Điều mà bà Gạch quan tâm nhất là phải truyền dạy cách làm nghề cho con cháu của mình: "Mong muốn con cháu mình nó yêu nghề truyền thống này, nó học hỏi đề làm được nghề. Mình cố gắng chỉ dạy lại cho con cháu của mình. Làm sao phải giữ được nghề truyền thống của ông bà mình để lại, mẹ truyền lại cho mình, mình truyền lại cho con, con truyền lại cho cháu, cứ vậy mà trao truyền."

Đặc trưng của gốm Chăm là không dùng bàn xoay để tạo hình mà chủ yếu nhờ đôi tay khéo léo của nghệ nhân để thổi hồn vào đất. Đây là nét độc đáo thể hiện sự tinh tế, chịu khó của phụ nữ Chăm. Những hoạ tiết truyền thống của gốm Bàu Trúc bao gồm đường răng cưa hình xoắn, hoa văn thực vật... lấy cảm hứng từ vỏ sò và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của bà con.

ừ nét đặc trưng đó, năm 2017, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Từ thời điểm đó đến nay, số lượng khách tham quan làng nghề ngày càng nhiều. Vào các dịp lễ hội, sản phẩm gốm Chăm được tiêu thụ nhanh chóng.

 
Cơ hội mới cho làng nghề gốm Chăm truyền thống  - ảnh 2Sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Bàu Trúc ngày càng đa dạng về mẫu mã và chất lượng ngày càng nâng cao. Ảnh: VOV

Ông Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Thương mại và dịch vụ gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết:  "Khách thập phương rất ưa chuộng gốm Bàu Trúc và họ mua nhiều sản phẩm để mang về. Ngoài việc có thể mua gốm tại các quầy lưu niệm, khách còn tìm đến tham quan 2 làng nghề và mua sản phẩm trực tiếp tại làng nghề."

Làng gốm Bàu Trúc hiện có 300 hộ làm nghề, 2 hợp tác xã gốm, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Thuận triển khai nhiều Dự án bảo tồn  làng nghề gốm Bàu Trúc. Trong đó, có Dự án đầu tư xây dựng tuyến du lịch trọng điểm tỉnh Ninh Thuận và gần đây nhất là Dự án của Ấn Độ với vốn đối ứng của tỉnh, trị giá hơn 19 tỷ đồng (0,8 triệu USD), đầu tư xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng nghề. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân địa phương, cơ sở hạ tầng làng gốm Bàu Trúc ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển.

Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hoá phi vật thể, vừa góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm nơi đây. Trong đó, dự án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng gốm Bàu Trúc do Hội đồng Anh tài trợ được thí điểm từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực cho làng nghề Bàu Trúc. Số lượng đoàn tham quan làng nghề ngày càng nhiều hơn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết Ban Du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc, gồm 15 thành viên, đã tích cực hỗ trợ người dân làm du lịch: "Có các nhóm như: nhóm ẩm thực, nhóm nghệ nhân, nhóm văn nghệ, nhóm tìm hiểu văn hoá Chăm nằm trong Ban Du lịch cộng đồng từ năm 2018 đến nay. Không chỉ hoạt động tại làng nghề, các nhóm này còn đi phục vụ tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khi khách có nhu cầu."

Theo bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, địa phương đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và đào tạo nguồn nhân lực phát triển nghề gốm gắn với phát triển du lịch địa phương:"Địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách tập huấn cho con em làng nghề gốm biết cách làm du lịch từ di sản nghề gốm cổ truyền. Cùng với đó là chương trình đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề gốm. Hiện nay, du khách đến tham quan làng nghề gốm ngày một đông."

Sức cuốn hút của gốm Chăm đối với du khách gần xa thời gian qua cho thấy tín hiệu lạc quan từ việc gắn kết phát triển du lịch với các làng nghề truyền thống. Việc nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành "Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" được UNESCO công nhận, sẽ tạo thêm tiền đề cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khoá XI về xây dựng và phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu