Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn bảo lưu khá tốt nghề truyền thống làm gốm hoàn toàn bằng thủ công.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, năm xưa có tên là Paley Hamu Trok, nổi tiếng với nghề làm gốm do tổ nghề là ông Poklong Chanh, một vị quan thời Vua PoKlong Garai trị vì xứ Panduranga (1151-1205), truyền dạy nghề cho dân làng. Trải qua gần nghìn năm, dân làng người Chăm ở đây vẫn giữ được nét truyền thống làm gốm cổ đến ngày nay. Đây là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn bảo lưu khá tốt nghề truyền thống làm gốm hoàn toàn bằng thủ công.
Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận - ảnh 1Cổng làng Bàu Trúc. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Nói đến nghề thủ công truyền thống của người Chăm thì không thể không nói đến nghề làm gốm hay nói đúng hơn là nghệ thuật làm gốm của họ. Đặc trưng quan trọng của gốm Chăm là thế giới tâm linh tín ngưỡng, phong tục, văn hóa Chăm thể hiện qua gốm. Ở làng Bàu Trúc, sản phẩm gốm thường có dáng hình và điệu múa mềm mại của nàng Apsara, vũ điệu thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa Chăm, nghệ nhân chơi kèn saranai… Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phước Dân, nhấn mạnh: "Nét độc đáo đối với nghề gốm Bàu Trúc là bà con làm bằng tay, tức là làm thủ công. Các sản phẩm được đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, thợ tạo ra các sản phẩm độc đáo."

Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận - ảnh 2Sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Ở làng Bàu Trúc, người thợ nặn gốm phải đi vòng quanh sản phẩm, xoay càng lâu sản phẩm càng tròn càng cân đối. Tính ra một ngày, người thợ làm gốm đi vòng tròn quanh sản phẩm như vậy bằng quãng đường đi bộ 5 đến 8 km.

Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên ngoài trời, khi nung không phủ men. Tùy theo từng sản phẩm và kỹ thuật phun màu (chiết xuất từ dầu hạt điều, cây dông…) cho ra các sản phẩm có màu sắc đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu lạ và đẹp mắt. Vì sản phẩm nặn bằng tay, không làm bằng khuôn nên không có cái nào giống cái nào, mang tính độc bản cao. Đó chính là những sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.

Bà Đàng Thị Đầm, người dân làng Bàu Trúc, cho biết: "Đập đất ngâm đất, đạp xong mình nhồi đất, cạo trà xong mới làm hoa văn. Xong thì phơi khô rồi nung. Đất và cát pha để đạp nhồi cho mịn. Cả nhà tôi làm nghề, tôi là đời thứ 4. Càng ngày mình càng làm ra nhiều sản phẩm, như: phù điêu, mỹ nghệ, bình. Sản phẩm ngày càng đẹp."

Ngày 29/11, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận - ảnh 3Nghệ nhân làng Bàu Trúc trình diễn cách làm gốm. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Làng gốm Bàu Trúc nếu không được bảo vệ thì trong tương lai sẽ bị mai một. Có thể nói đây là di sản văn hóa phi vật thể có một không hai trên toàn cầu. Không có một nước nào có nghệ thuật làm gốm như làng gốm Bàu Trúc. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận gốm Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì Chính phủ có chính sách bảo vệ, UNESCO cũng có hướng bảo tồn, phát huy giá trị làng gốm Bàu Trúc."

Điều đặc biệt, nhiều làng gốm cổ trên thế giới đã mai một không còn giữ được nghề truyền thống, nhưng nghề gốm làng Bàu Trúc vẫn còn tồn tại, giữ được nét tinh hoa của gốm cổ. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Bàu Trúc, xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu