Phát huy giá trị di sản thế giới trong phát triển bền vững

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam hiện có hơn 20 di sản được UNESCO vinh danh.

Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Những di sản thế giới này ngày càng góp phần quan trọng vào phát triển bền vững ở Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Việt Nam hiện có hơn 20 di sản được UNESCO vinh danh. Di sản tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận có đủ cả 3 loại hình: di sản thiên nhiên, di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể), di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên. Đáng chú ý trong đó, Việt Nam có 8 di sản thế giới, gồm: 5 di sản văn hóa vật thể (Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An), 2 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên (Di sản kép - Quần thể danh thắng Tràng An).
Phát huy giá trị di sản thế giới trong phát triển bền vững - ảnh 1Một góc di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Anh

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết: "Công ước bảo vệ di sản văn hóa thiên nhiên thế giới của UNESCO, hay còn gọi là công ước 1972, là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước năm 1997, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước". 

Các địa phương có di sản thế giới ở Việt Nam chủ trương biến di sản thành tài sản và xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững. Điển hình là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên. Hội An hiện là địa danh du lịch nổi tiếng thế giới. doanh thu từ ngành du lịch, dịch vụ chiếm hơn 70% giá trị kinh tế của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, cho biết: "Hội An đã tạo ra những sản phẩm du lịch khá độc đáo như đêm phố cổ và phát triển các làng nghề trở thành các điểm du lịch, thu hút đông đảo du khách, như: làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng…Từ chương trình đêm phố cổ, nghề sản xuất đèn lông ở Hội An đã phát triển. Đèn lồng Hội An đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Từ mục tiêu bảo tồn di sản đã hình thành nghề mới, như: nghề chế tác tre, chế tác các hình tượng nghệ thuật từ củi lũ, gỗ thu gom qua các trận bão lũ.

Phát huy giá trị di sản thế giới trong phát triển bền vững - ảnh 2Du khách thăm quan di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ảnh: Ngọc Anh

Thủ đô Hà Nội cũng được biết đến là thành phố của các di sản văn hóa, với 5922 di tích lịch sử, văn hóa, 1793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới là Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội. Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết. "Kể từ năm 2010, sau khi UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hoá thế giới, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu di sản. Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Hà Nội. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210 ngàn lượt khách tham quan, trong đó 20% là khách quốc tế, cùng với 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản.

Các địa phương có di sản thế giới khác ở Việt Nam đều phát huy giá trị di sản trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, người dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: "Tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản. Tỉnh đề xuất giải pháp quy hoạch toàn diện di sản, đưa di sản trở về cộng đồng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chủ nhân và cư dân bản địa được tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản."

Với tỉnh Quảng Ninh, địa phương có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, được đặc biệt coi trọng. Tỉnh đưa ra chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh” dựa vào di sản thế giới vịnh Hạ Long. Ông Lê Minh Tân, Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: "Ban quản lý vịnh Hạ Long triển khai chương trình “không có rác thải nhựa thải xuống vịnh Hạ Long”. Du khách, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chương trình này. 100% tàu du lịch ở vịnh Hạ Long lắp hệ thống xử lý nước thải, rác thải đưa vào bờ để xử lý. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, môi trường ở vịnh Hạ Long ngày càng xanh sạch đẹp".

Các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam là tài sản vô giá, minh chứng cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp, có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, bảo đảm lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu