Với lợi thế này, các cấp, ngành, địa phương đang nỗ lực giữ gìn, khơi dậy và phát huy để giới thiệu, quảng bá trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lễ hội Lùng Tùng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng, là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái đen, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Lễ hội Lùng Tùng gồm hai phần: Lễ và hội, trong đó, phần lễ diễn ra nghi thức cày bừa, gieo hạt, chính quyền cùng bà con dân bản xuống đồng tham gia cày bừa, mở đầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được khỏe mạnh. Theo tục lệ, Lễ hội được tổ chức hằng năm vào dịp tháng Giêng sau Tết Nguyên đán và thường diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng.
Đặc sắc trong các lễ hội là các nghi lễ tâm linh mang tín ngưỡng thần linh. Ảnh: VOV |
Để giới thiệu lễ hội này đến với du khách, tỉnh Lai Châu đã tổ chức diễn xướng lại các hoạt động Lễ hội Lùng tùng trong các hoạt động văn hóa của địa phương thời gian qua và để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh, tham dự lễ hội, chia sẻ: Khác với lễ hội ở vùng đồng bằng, các lễ hội ở vùng cao đều gắn với thiên nhiên, đất trời. Đặc biệt, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc sắc riêng và con người thân thiện, mến khách: "Bắc Ninh cũng có rất nhiều lễ hội đặc sắc nhưng ở Lai Châu tôi thấy lễ hội lại có nét đặc trưng riêng. Lần đầu tiên được trải nghiệm lễ hội ở Than Uyên và tôi thấy các nét văn hóa ở trên này rất phong phú. Chuyến đi này tôi cảm thấy rất ý nghĩa và vui, bởi đồng bào ở trên này rất thân thiện, bà con rất dễ gần với mình. Tôi cảm thấy ở trên này cuộc sống rất hay."
Nếu như Lùng tùng, xòe chiêng là lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái, thì Gầu Tào lại là lễ hội tâm linh đặc trưng của đồng bào Mông, thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Nguyên đán, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là vui chơi ngoài trời hay còn gọi Hội chơi đồi mùa xuân, vì vậy, mỗi khi khai hội, đồng bào Mông ở khắp các bản làng xa gần đều tìm về để gặp gỡ, giao lưu và cùng chung vui các trò chơi dân gian.
Chị Mùa Thị Sơ, ở bản Nậm Mở, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, cho biết: "Em về đây chơi rất vui vì có rất nhiều hoạt động như là mở hội cho các bạn nữ. Như là hôm nay mở hội Gầu Tào cho tất cả mọi người cùng đến đây chung vui và ở đây cũng có chợ phiên. Em cũng mời tất cả mọi người đến Tà Mung chơi chợ phiên vào cuối tuần hoặc là cuối tháng."
Tại nhiều lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào được phực dựng, bảo tồn. Ảnh: VOV |
Lễ hội Gầu Tào đã từng bị mai một theo năm tháng. Việc địa phương tổ chức phục dựng lễ hội khiến đồng bào ở Than Uyên rất háo hức và phấn khởi. Ông Sùng A Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung, huyện Than Uyên, cho biết: "Việc phục dựng lễ hội Gầu Tào ở xã Tà Mung có ý nghĩa rất quan trọng, để duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Qua đây phục dựng lại toàn bộ nét văn hóa của đồng bào, từ điệu khèn đến tiếng sáo, các trò chơi dân gian, tiếng khèn môi, khèn lá. Và đặc biệt là lễ hội khôi phục lại việc thêu thùa các nét hoa văn trên vải đúng với bản sắc văn hóa truyền thống đã bị mai một từ trước đây."
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, huyện Than Uyên đã có cách triển khai riêng, dựa trên lợi thế văn hóa đặc thù của từng dân tộc địa phương.
Đến nay, ngoài Lễ hội Lùng tùng và Gầu tào, huyện Than Uyên đã phục dựng được thêm 4 lễ hội, là: Lễ hội Hạn Khuống - một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái, được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 (âm lịch) hằng năm; Lễ hội Kin Pang - lễ hội cúng mừng con nuôi của người Thái, thường diễn ra vào ngày 8 - 10/3 (Âm lịch); Lễ hội Xòe chiêng (Xòe tết) cũng của dân tộc Thái - được tổ chức định kỳ vào tháng Giêng, với ý nghĩa mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe; và Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú – được tổ chức sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những bát cơm mới, cùng nhiều sinh hoạt cúng tế và vui chơi độc đáo.
Ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, cho biết: Địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Tỉnh cũng có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc.
Phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ; xây dựng các bản làng du lịch cộng đồng: "Chúng tôi thực hiện Nghị quyết của huyện và tỉnh về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, huyện đã phục dựng và duy trì một số các tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào trên địa bàn để bà con giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng."
Nhiều nét văn hóa truyền thống và lễ hội đặc trưng như Hạn Khuống, Kin Pang, Mừng Cơm mới, Gầu Tào, Xòe Chiêng... của đồng bào các dân tộc đã và đang là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với huyện Than Uyên. Nếu như năm 2021, địa phương đón hơn 20 nghìn lượt khách thì năm 2022, con số đó tăng lên gần 30 nghìn. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc, phát huy tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch trong thời gian tới.