Phát biểu tại Hội thảo “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023” diễn ra hôm qua (14/12), tại Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định kinh tế Việt Nam năm 2022 đã phục hồi tích cực, dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8%.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn |
Mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số: “Bước sang năm 2023, chúng ta đã có mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, có các giải pháp nhằm đạt mục tiêu, cũng khá toàn diện, đầy đủ cả ngắn hạn, dài hạn. Quan trọng nhất là khi có giải pháp, hành động thực thi rất quan trọng. Nhưng điểm khác biệt năm 2023 là thực thi phải kịp thời. Kết quả thực hiện các mục tiêu phải đảm bảo mức hoàn thành, nghĩa làm đảm bảo tốc độ thực hiện, mới tạo nền tảng tăng trưởng và phát triển”.
Toàn cảnh Hội thảo Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn |
Tạo động lực phát triển kinh tế năm 2023 chính là tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu quả cho các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Muốn vậy, việc thực thi các giải pháp cần sự chủ động từ phía chính các doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế, cho rằng cần chính sách khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và phát triển, bằng nhiều giải pháp tiếp cận: “Chính phủ cần có giải pháp khôi phục phát triển thị trường vốn hiện nay bằng cách khôi phục và phát triển thi trường trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng giảm lãi suất cũng cần tính toán trong điều kiện phụ thuộc vào diễn biến thị trường”.