Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ phục hồi và kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống

Trung Hiếu
Chia sẻ
(VOV5) - Vừa điều chỉnh, vừa kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp để không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp là bài toán lớn.

Cuối tháng 9 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng 1% lãi suất điều hành sau 2 năm giữ ổn định. Và cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% nữa, đồng thời điều chỉnh nới biên độ tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ phục hồi và kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống - ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: sbv.gov.vn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điều chỉnh phù hợp với diễn biến tài chính – tiền tệ thế giới và mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu “kép” là Hỗ trợ phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tín dụng ngân hàng.

Không chỉ nâng lãi suất điều hành 1%/năm lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa USD và đồng Việt Nam, từ mức 3% lên 5%, có hiệu lực từ ngày 17/10.

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc nới biên độ tỷ giá là đáp ứng yêu cầu của một thị trường mở cửa và hội nhập sâu của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay: "Giá trị của USD đang tăng lên và các đồng tiền khác trên thế giới thì đều giảm giá so với đồng USD, vì vậy đồng Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn nếu giữ nguyên biên độ điều chỉnh. Chúng ta nới rộng biên độ điều chỉnh để tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động linh hoạt hơn trong chính sách tỷ giá, để vừa đảm bảo được việc ổn định kinh tế vĩ mô, lại vừa có thể hỗ trợ được cho xuất khẩu, yểm trợ cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Tôi cho rằng đây là một giải pháp phù hợp."

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ phục hồi và kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống - ảnh 2Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: qdnd.vn

Nhiều quốc gia trên thế giới đang lạm phát rất cao, khiến các đồng tiền lớn như của Mỹ và Liên minh Châu Âu, liên tục tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát. Bối cảnh này đẩy đồng tiền Việt Nam vào tình trạng bị mất giá nên phải điều chỉnh tăng tỷ giá. Nhưng nếu để tỷ giá tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và vấn đề cân đối ngoại tệ khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh. Do đó, vừa điều chỉnh, vừa kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp để không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp là bài toán lớn.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, cho rằng:  Để thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng đã hơn 11%, trong khi huy động mới tăng hơn 4%, cộng thêm đầu tư công không đẩy ra được, dẫn đến vốn không đưa ra được hệ thống ngân hàng thương mại, dẫn đến thiếu vốn. Thời gian vừa qua, để đảm bảo hoạt động, các ngân hàng thương mại tăng huy động vốn, mặt bằng huy động lãi suất mà từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 3%, mà Nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ, là cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất từ 1 đến 2% năm. Thời gian vừa qua, với điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mặt bằng lãi suất cho vay nhưng huy động đã tăng lên 3%, nên thời gian tới thực sự là vấn đề khó.

Đánh giá tác động của những động thái điều hành chính sách tiền tệ mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng đây có thể cũng là một điều kiện mới để các ngân hàng thương mại tăng cường an toàn cho hệ thống: "Đối với chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tôi nghĩ rằng dư địa thì chắc chắn còn vấn đề là mình sử dụng hiệu quả nguồn vốn này sao cho đảm bảo được tính tuân thủ pháp luật cũng như hiệu quả đồng vốn ngân hàng khi đầu tư ra. Không còn tình trạng các doanh nghiệp không có năng lực mà vẫn được vay vốn, Năng lực của các doanh nghiệp mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì chắc chắn ngân hàng cho vay, không còn các doanh nghiệp ảo như trước nữa."

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ phục hồi và kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống - ảnh 3

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất điều hành, áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam còn tiếp tục tăng. Do đó, giải pháp thiết thực là ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cần tăng cường đồng hành và chia sẻ khó khăn, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định: "Việc nâng lãi suất để hạn chế cung tiền, thì không tạo ra một sự bùng nổ lượng tiền trên thị trường. Đấy là biện pháp, giải pháp rất tốt để kiểm soát được lạm phát. Có thể nói rằng năm nay, lạm phát của chúng ta đạt được ở mức thấp như thế này, một phần là nhờ các biện pháp chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện. Tất nhiên, phụ thuộc chính vào yếu tố thực tế của nền kinh tế nhưng cũng có thành quả của các chính sách tiền tệ linh hoạt và các chính sách đấy thì trong thời gian tới phải tiếp tục được duy trì được thực hiện một cách hiệu quả."

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những giải pháp căn cơ trong thực hiện mục tiêu kép, là vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Giải pháp căn cơ sẽ không chỉ dựa vào chính sách tiền tệ, mà phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác, như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, xem xét giảm một số hỗ trợ cung tiền trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023, khi tăng trưởng kinh tế năm nay đã trở lại đà tăng tốt, dự báo hơn 8%. Đại biểu Quốc hội mong Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ, nỗ lực duy trì phương châm điều hành chính sách vĩ mô, để tạo ra khả năng thích ứng cho nền kinh tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu