Hiện nay, toàn quốc có trên 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, đóng góp 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước. Vai trò của hợp tác xã không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn là giúp tăng thu nhập cho 30% dân số cả nước.
Thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác xã như được hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kỹ thuật công nghệ mới… Song hiện còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã.
Ông Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam, cho rằng: “Cần bố trí ngân sách, nguồn lực ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu thiết thực vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với mục tiêu quốc gia. Việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ về kinh tế tập thể, hợp tác xã sát phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo đồng bộ có tính khả thi, trên cơ sở đó, bản chất phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể.”
Phát huy được vai trò của hợp tác xã sẽ kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.