Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum … phát triển mạnh nông nghiệp, nông thôn nhờ sự quyết vào cuộc của chính quyền địa phương.
Tôi tin rằng nếu mà cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương, những nơi gần người sản xuất nhất, gần dân nhất thấy được sự bức xúc, bức thiết của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư hỗ trợ cho người nông dân, thì tôi nghĩ rằng, phong trào HTX của chúng ta trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững hơn, sẽ là đòn bẩy để chúng ta kết nối những hộ sản xuất nhỏ lại với nhau, kích hoạt chuỗi hợp tác của nông dân với nhau, tạo liên kết giữa người nông dân, giữa HTX, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Hoàng Thùy |
Như vậy câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải xác định được định vị được thị trường, thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật… Đó là những nội dung mà Văn kiện Đại hội XIII đề cập.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời báo chí tại Đại hội Lần thứ XIII của Đảng.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về việc thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?
Ông Lê Minh Hoan: Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đây đó, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không phải là với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình, mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản nước ta ra nước ngoài cũng như chế biến nông sản ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Chuối của Hoàng Anh Gia Lai được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc. |
Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bởi cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con “đại bàng”, cũng sẽ có những con “chim sẻ”, chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ” - đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao, nhưng chúng ta hợp lực của các “chim sẻ” lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa. Nhất là các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại thì sẽ trở về khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng sẽ không kém gì các con “đại bàng”.
Xưa đến giờ chúng ta chỉ tính tới các con đại bang, nhưng “chim sẻ” - các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương để tạo ra nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương sẽ tạo ra một phân khúc nhất định so với phân khúc của các doanh nghiệp lớn.
Nếu chúng ta chỉ đơn thuần canh tác, tạo ra sản lượng thì đâu cần công nghệ thông tin, đâu cần công nghệ sinh học, công nghiệp thực phẩm... Nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố tôi nói đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về nơi các em, các cháu sinh ra. Và như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải ca cẩm thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng đi Bình Dương, đi Đồng Nai, đi Hải Dương... Trào lưu đó, sự chuyển dịch đó thì nước nào cũng có. Vậy thì chúng ta phải có chính sách như thế nào để kích hoạt được những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương thì các cơ quan quản lý nhà nước phải đề xuất với Chính phủ. Càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương, thì các nhà đầu tư đến họ sẽ có hệ sinh thái ở xung quanh, rồi sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận những công đoạn mà doanh nghiệp lớn không thể làm hết. Khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điều kiện để chúng ta kéo các “đại bang” về đầu tư. Từ đó, sẽ vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, vừa tạo ra giá trị cho người nông dân.
PV: Để hướng tới mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển hiện đại, theo ông, nông nghiệp sẽ đóng vị trí, vai trò như thế nào trong nền kinh tế nước ta? Và chúng ta có học hỏi mô hình của quốc gia hiện đại nào trong việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp hay không ?
Chỉ trong vòng 24 tháng, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước |
Ông Lê Minh Hoan: Chúng ta cũng đã có sự giao thoa, giao lưu với các nước để có sự chắt lọc các kinh nghiệm, giá trị trong sự phát triển nông nghiệp của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel và Thái Lan... Rõ ràng khi chúng ta chắt lọc các giá trị đó thì phải tìm ra được “từ khóa” vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia lại có lịch sử, nền văn hóa và xuất phát điểm khác nhau. Có một điểm chung là chúng ta phải tạo thành chuỗi giá trị và phải thay đổi nhận thức chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao lên. Bây giờ phải kích hoạt đầu ra để tạo được đầu ra ổn định. Khi đầu ra được kích hoạt thông suốt, thì đầu vào sự tự động điều chỉnh theo, co giãn theo thị trường, và lúc đó, chúng ta có thể trở thành không chỉ một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở tốp đầu thế giới, mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản chúng ta. Đó mới là hình ảnh nông nghiệp của chúng ta trong tương lai. Nếu hỏi một thời điểm nào đó có thể chúng ta sẽ cùng nhau trả lời câu đó vì nó là cả một hệ sinh thái có sự tham gia của các viện, trường, chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, rất nhiều bộ, ngành khác nhau... Trước đây chúng ta thường hỗ trợ đầu vào nhưng đến một ngày, nếu đầu ra không được kích hoạt thì sẽ ùn ứ chỗ này.
Cho nên câu chuyện liên kết giữa các vùng nguyên liệu, thông tin thị trường cần được cập nhật thường xuyên đến người sản xuất, vì thường thường, mình hay nói nông dân làm theo đám đông, thấy người khác làm thì mình cũng làm. Nói vậy cũng hơi oan cho người nông dân vì họ biết thị trường ở đâu, thấy ông chủ vườn kế bên trúng quá thì mắc mớ gì không chạy theo, đốn cây này trồng cây kia. Như vậy còn có lỗ hổng trong thông tin thị trường, trong sự khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước.
PV: Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất, cần cơ chế như thế nào để doanh nghiệp có thể tích tụ được ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp?
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho ông Lê Minh Hoan ngày 18/10/2020 |
Ông Lê Minh Hoan: Hiện nay có hai mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Mô hình đầu tiên là doanh nghiệp muốn có quỹ đất lớn, lên đến hàng nghìn héc-ta để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đầu tư nhà máy chế biến. Nhưng mô hình ngược lại cũng không cần diện tích đất lớn mà tạo ra sự liên kết giữa các vùng nguyên liệu xung quanh. Mỗi mô hình có một hướng đi khác nhau. Dù hướng đi nào thì chúng ta cũng phải nghĩ đến câu chuyện người nông dân đang canh tác trên mảnh đất đó có thể họ cho thuê, có thể họ bán theo những chính sách sẽ được xác lập để tạo ra quy mô lớn hơn. Bài toán việc làm cho những người nông dân đó như thế nào? Để doanh nghiệp ôm một quỹ đất lớn, nhưng người nông dân phải đi ra ngoài, đâu phải ai cũng vào nhà máy làm được đâu. Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung đất để tạo ra quy mô sản xuất lớn, thì không tạo ra được nhiều việc làm, vì nhiều khi sản xuất quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại, thì nông dân lại không có việc làm nữa.
Thu hoạch cá ở HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: NQ |
Tôi hay trao đổi với địa phương, mỗi doanh nghiệp đến đầu tư, chúng ta phải khuyến cáo doanh nghiệp phải tạo ra được chuỗi ngành hang, bởi chuỗi ngành hàng đó tạo ra rất nhiều việc làm. Qua đó vừa thu hút được trí thức trẻ về vừa đưa người nông dân canh tác trên mảnh đất đó vào làm việc trong chuỗi ngành hàng đó thông qua công tác đào tạo của doanh nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn của nhà nước. Như vậy câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới bền vững. Vì thực tế sẽ xảy ra những vấn đề về mặt xã hội ở nông thôn, nếu chúng ta không bình tĩnh, không ngồi để phân tích từng dự án một. Điều quan trọng trong tư duy phát triển không chỉ là tăng trưởng, mà tăng trưởng đó tạo ra được bao nhiêu việc làm cho xã hội. Con người là mục tiêu, là động lực. Nếu tăng trưởng GDP chỉ nằm ở một nhóm người thì khác, mà tăng trưởng đó tác động đến nhiều nhóm người lại khác.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?
Thời gian qua chúng ta có sự đột biến trong việc thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp. Tôi mong muốn các nhà đầu tư này phải tạo ra hệ sinh thái để kết nối hỗ trợ nhau phát triển. Cùng đầu tư trên một lĩnh vực nông nghiệp như cây ăn trái, cà phê, cá tra, điều… nhà đầu tư phải hợp tác thay vì chia rẽ, cạnh tranh. Hãy nghĩ tới quyền lợi của nông dân, nền nông nghiệp của mình trước khi nghĩ đến lợi nhuân, cùng tạo ra khát vọng chung cho đất nước, tạo sự lan tỏa, thương hiệu cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra thương hiệu chung.
PV: Hình mẫu nông dân hiện đại có vai trò thế nào trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp?
Ông Lê Minh Hoan |
Ông Lê Minh Hoan: Cơ quan quản lý nhà nước dù là quy hoạch hay chiến lược thì cuối cùng người nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Sự thay đổi hay không tác động tới mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh. Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh? Câu hỏi đó phải được trả lời thông qua những Nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể, để chúng ta chuyển đổi từ tư duy, nhận thức người nông dân trước. Vì nếu không thay đổi nhận thức, người ta vẫn sản xuất theo tập quán, vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn bấp bênh. Khi người nông dân hợp tác với nhau, thấy mình phải tự thay đổi trước, hợp tác với nhau, vào hợp tác xã, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, biết cung, biết cầu, biết biến đổi khí hậu là như thế nào, biết an toàn vệ sinh thực phẩm, biết sản xuất ở thế hệ này nhưng thế hệ con cháu mình đất đai không bị bạc màu do lạm dụng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng, phân bón.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng Hội Nông dân và cơ quan liên quan dần dần đi theo mô hình nước ngoài, là người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép, phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải đứa nào giỏi cho lên Sài Gòn học, còn mày dốt quá thì tao cho đi làm nông. Nền nông nghiệp mà để người dốt làm thì làm sao được. Thành ra, chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi chứ không phải không biết làm gì thì ra làm ruộng. Đó là con đường phổ quát của các nước tiên tiến. Chúng ta phải hành động, mỗi người chúng ta hãy bắt tay cùng cơ quan chuyên môn là làm được.
PV: Một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là đưa bữa ăn sạch từ đồng ruộng lên bàn ăn nhưng vừa qua vẫn là nỗi bức xúc?
Ông Lê Minh Hoan: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại kỳ họp quốc hội vừa qua có nói rằng người nước ngoài nói người Việt Nam mình hơi dễ dãi, sản xuất ăn uống dễ dãi. Sạch từ đồng ruộng tới bàn ăn ai cũng biết, nhưng nhiều khi, tôi nhắc lại, đó cũng là vấn đề của nhận thức xã hội. Bản thân chúng ta đã thay đổi dần, lan tỏa dần, ngành chuyên môn đưa vào mục tiêu của ngành, lĩnh vực, chứ không chỉ tăng trưởng, mà mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân. Tôi nghĩ rằng, cả xã hội đều kích hoạt, tạo ra một hệ sinh thái. Tôi từ chối sử dụng những nông sản mà tôi biết nó không được truy xuất nguồn gốc, chúng ta mới làm được. Chúng ta mong muốn khuyến cáo điều này, thành ra người nông dân cũng hỏi tôi mấy ông kêu tôi trồng sạch sao lại ra chợ mua sản phẩm không sạch, thế có mâu thuẫn không? Tôi nghĩ rằng, đây là câu chuyện của cả xã hội. Nói như thế có người sẽ nói anh nói thế để phủi trách nhiệm sang người tiêu dùng, nhưng tất cả chúng ta không vô can trong chuyện về an toàn thực phẩm.
PV: Xin cảm ơn ông!
VOV5