Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững

Chia sẻ
(VOV5) - Các đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiều 27/01.
Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững - ảnh 1Toàn cảnh phiên họp thảo luận về các văn kiện đại hội tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chiều 27/1/2021 - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiều 27/01, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết lần đầu tiên trong báo cáo chính trị và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm đề cập chủ trương mới là xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021 – 2030.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, kinh tế tuần hoàn là bước chuyển từ kinh tế truyền thống sang kinh tế bền vững. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng đặt ra mục tiêu loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. So với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích.Với quốc gia là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết các thách thức môi trường; nâng cao sự cạnh tranh quốc tế; tận dụng nguồn tài nguyên đã qua sử dụng, hạn chế tối đa khí thải. Đối với xã hội, giúp giảm kinh phí bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe; đối với doanh nghiệp là giúp giảm chi phí sản xuất…

Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững - ảnh 2Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận - Ảnh: TTXVN

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ý kiến: "Cần xem xét phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hâu. Kiến nghị Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII xem xét ban hành Nghị quyết về mô hình kinh tế tuần hoàn. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm. Chúng ta sẽ phát triển đô thị tuần hoàn, công nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn và tiêu dùng bền vững". 

Cũng liên quan đến kinh tế, trong phiên thảo luận chiều 27/1, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài.

Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững - ảnh 3Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận - Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột“kinh tế, xã hội và môi trường”, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát“Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu