Nông nghiệp Việt Nam nhận diện thách thức để tăng trưởng

Minh Long
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2017 nông nghiệp sẽ phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm, nhất là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường.

(VOV5) - Năm 2017 nông nghiệp sẽ phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm, nhất là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường nếu muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành trong những năm qua. 

Nông nghiệp Việt Nam nhận diện thách thức để tăng trưởng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Năm qua, Việt Nam phải đối mặt với đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc, nạn hán hán, mặn xâm nhập ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Cùng với đó là sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, các đợt lũ chồng lũ những tháng cuối năm đã gây thiệt hại và ảnh hưởng nặng đến sản xuất và xuất khẩu khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khép lại năm 2016 nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, về đích với tốc độ tăng trưởng 1,36%. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt cao nhất từ trước đến nay với mức 32,1 tỉ đô la. Nhiều mặt hàng nông sản đã bứt phá góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng dương như: rau quả, thủy sản, chăn nuôi.


Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ khó lường và phạm vi ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp đã tích cực chủ động phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt là những ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu, trong đó xem xét lồng ghép các phương án ứng phó biến đổi khí hậu trong những năm tới. Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cho biết: "
Những gì đang tính toán phải được đưa vào chương trình, kế hoạch phương án đối phó, không chỉ là trong các kế hoạch trung hạn, dài hạn mà ngay cả kế hoạch hàng năm. Điều này không chỉ được thể hiện trong Đề án của Nhà nước mà còn thông báo rộng rãi cho nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải hiểu rõ những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra để chủ động phòng tránh".


Năm 2016, riêng lĩnh vực nông nghiệp, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực trồng trọt, kéo theo sự suy giảm của ngành trong 6 tháng đầu năm ở mức tăng trưởng âm 0,18%.  Dự báo của các chuyên gia, năm 2017 nông nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai mới vì vậy việc chủ động trong công tác dự báo rất quan trọng. Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng:
 "Trước hết phải sẵn sàng chủ động. Công tác dự báo phải chính xác, kịp thời hơn, dự báo dài hơn. Các cấp chính quyền và người dân phải hết sức chủ động. Phương châm “4 tại chỗ” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ứng phó thiên tai. Với mỗi loại hình thiên tai và điều kiện địa lý của từng vùng sẽ áp dụng phương châm “4 tại chỗ” khác nhau. Về lâu dài phải nhận định các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn, trên diện rộng kèm theo đó là xây dựng các kịch bản, kế hoạch về phương án ứng phó những loại hình thiên tai lớn này".


Trong năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: để duy trì tốc độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng “3 trục sản phẩm” gồm: sản phẩm quốc gia, bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ đô la trở lên; tiếp đến là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của các địa phương…Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc quy hoạch lại sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ:
 "Trong quy hoạch, từng vùng miền phải lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương. Sản xuất nông nghiệp ở các vùng phải được xây dựng để thích nghi, biến những bất lợi của biến đổi khí hậu thành lợi thế trong phát triển bền vững".


Trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bước vào năm 2017 toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt từ 2,5 đến 2,8%; Đây là mục tiêu cụ thể tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm 2016 – 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu