Nghe âm thanh bài tại đây:
Những năm qua, nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngành du lịch Ninh Thuận đã có sự phát triển mạnh mẽ. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Nhiều điểm đến của tỉnh được du khách yêu thích bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, của những danh thắng độc đáo, nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh. Hiện nay, Ninh Thuận đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của toàn tỉnh trong thời gian tới.
Công viên biển Bình Sơn - Ninh Chử (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Báo Ninh Thuận |
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh; du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Hướng tới mục tiêu đề ra, thời gian qua, Ninh Thuận đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững.
Dựa trên thế mạnh về tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đã tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh, mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, như: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, chất lượng cao; du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa Chăm; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa…
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VOV |
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Nghị quyết về phát triển du lịch Ninh Thuận quy hoạch rõ khu vực phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch phổ thông, hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có thương hiệu, tính chuyên nghiệp, tính cạnh tranh cao. Xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung, phấn đấu du khách tăng từ 7 – 8%/năm. Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư tại 3 vùng trọng điểm ven biển, phát triển du lịch là phía Nam, phía Bắc và khu vực trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thuộc hệ thống khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ. Đồng thời, tỉnh cũng đang tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển 12 sản phẩm du lịch đặc thù, mới lạ, nổi trội, độc đáo, khác biệt, có ấn tượng, tính hấp dẫn làm sản phẩm du lịch trụ cột."
Những năm qua, chính quyền và các thành phần kinh tế đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có 56 dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 52.500 tỉ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Trong đó, có 26 dự án đã đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Mục tiêu của tỉnh xác định xây dựng ngành kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, do đó, công tác thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch rất được quan tâm. Các dự án du lịch này khi đi vào triển khai, hoạt động sẽ tạo cho tỉnh thu hút lượng khách du lịch và góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra là du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh."
Để thuận tiện cho du khách đến du lịch, tỉnh đang đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không, các tỉnh, thành phố, như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Cùng với đó, Ninh Thuận tiếp tục phát triển thị trường quốc tế truyền thống, gồm: Nga và Đông Âu, đồng thời, hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có, phát triển các thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á, Australia, Tây Âu, Bắc Mỹ, với các sản phẩm du lịch mới lạ sản.
Lượng khách đến với Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận ngày càng đông. Ảnh: Đoàn Sĩ/VOV |
Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư cho du lịch được Ninh Thuận tích cực triển khai, trong đó có 1 số sự kiện nổi bật, như: các hội nghị xúc tiến, quảng bá và ký kết các chương trình phát triển du lịch với các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…; các sự kiện giới thiệu sản phẩm du lịch mới, như: lướt ván ở vùng biển huyện Ninh Hải; tham quan đồi cát Nam Cường; du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các vườn nho, vườn táo, trang trại trồng hoa lan làng xanh Mỹ nghiệp huyện Bình Phước; du lịch cộng đồng tại làng bích họa Hòn Thiên; khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa; khu du lịch đồng cừu An Hòa...
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư của Ấn Độ, Hàn Quốc đến tìm hiểu, khảo sát môi trường phát triển du lịch của tỉnh cũng như tham gia xúc tiến du lịch tại Trung Quốc, Hàn Quốc, phối hợp nhiều chương trình, qua đó, góp phần quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh quê hương, cơ hội phát triển du lịch của tỉnh Ninh Thuận đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Du lịch Ninh Thuận đã có những bước phát triển vượt bậc, đến nay, cơ bản đạt được trên 3,1 triệu lượt khách đến với tỉnh, gần đạt được mục tiêu cả năm đề ra là 3,2 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 100.000 lượt."
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch Ninh Thuận, du khách trong và ngoài nước đã biết đến vùng đất “Hội tụ những giá trị khác biệt” của Ninh Thuận ngày một nhiều hơn. Minh chứng rõ nét đó là số lượt khách đến đây đều tăng qua các năm. Giai đoạn 2021 – 2023, tổng lượng khách đến Ninh Thuận đạt trên 6,4 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân gần 32%, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt gần 4,87 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn 191 triệu USD).
Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, khách tham quan nghỉ dưỡng tại tỉnh ước đạt trên 3 triệu lượt, tăng trên 20,6% so với cùng kỳ, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng (hơn 137,8 triệu USD).
Thực tế cho thấy chất lượng du lịch của Ninh Thuận đang ngày một khởi sắc hơn chuyển hướng theo chiều sâu phù hợp với định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ngành kinh tế trụ cột và là ngành kinh tế tổng hợp tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.