Theo Bộ Công thương, năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Đây là mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Đứng đầu là mặt rau củ quả, dự kiến mang về 7,2 tỷ USD. Năm 2025 Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng trái cây. Đây là mục tiêu có thể đạt được khi nhiều thị trường mới đã được đàm phán mở cửa cho nhiều loại trái cây mới. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Năm nay đạt 7,2 tỷ USD thì năm sau có thể 8 tỷ USD. Có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ để xuất, có mặt hàng mới tham gia.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng trong kinh tế cả nước năm 2024. Ảnh:tapchicongthuong.vn
|
Đứng thứ 2 là mặt hàng gạo. Năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với gần 5,8 tỷ USD. Đứng thứ 3 là mặt hàng cà phê. Năm nay ước tính kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm. Cà phê cũng là mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cùng với cà phê, ngành hạt điều Việt Nam cũng ghi nhận cột mốc lịch sử với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái. Duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới trong gần 2 thập kỷ.
Ngoài điểm sáng của ngành nông nghiệp, xuất khẩu dệt may cũng là điểm nhấn đáng chú ý khi hết năm nay dự kiến cán mốc 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Với kết quả này, Dệt may Việt Nam đã vượt Bangladesh, trở lại vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ về thặng dư xuất khẩu. Dự kiến năm 2025 tới, thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU sẽ phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện hơn thì ngành dệt may sẽ lại càng có triển vọng.