Việt Nam hiện có 12 khu bảo tồn biển đang hoạt động, từ Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), mỗi nơi đều mang giá trị đặc trưng về hệ sinh thái và văn hóa. Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch bền vững nhờ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, nhưng tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ do những hạn chế về quản lý, hạ tầng cơ sở và sự thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Hình ảnh về đa dạng sinh học Cù Lao Chàm và nỗ lực gìn giữ các giá trị tài nguyên - Nguồn ảnh: CuLaoCham MPA |
Du lịch bền vững: Chìa khóa bảo tồn môi trường biển
Mới đây, vấn đề này đã được đề cập cụ thể hơn tại “Diễn đàn, hội thảo kỹ thuật và tập huấn cho mạng lưới Khu Bảo tồn Biển/Vườn Quốc Gia tại Việt Nam” do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức. Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Hội nghị quốc gia bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024" được tổ chức, do Cục Thủy Sản chủ trì, thuộc Dự án “Bảo vệ Hệ sinh thái Ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua IUCN trong hai năm 2024-2025.
|
Thực tế cho thấy, các khu bảo tồn biển không chỉ đơn thuần là những khu vực bảo vệ thiên nhiên mà còn là tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững. Du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn biển có thể góp phần vào bảo tồn, đồng thời tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương thông qua các dịch vụ như lưu trú, tổ chức tour trải nghiệm, và các khoản phí tham quan. Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Theo một số liệu thống kê, lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm đã tăng mạnh từ khoảng hơn 4.700 tới gần 400 ngàn trong giai đoạn 2005 – 2018, trong đó có rất nhiều du khách quốc tế.
Sự phát triển du lịch cũng đi kèm trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cù Lao Chàm là địa phương tiên phong tại Việt Nam với chiến dịch “Nói không với túi nilon” từ năm 2006 và tiếp tục với cam kết “Nói không với ống hút nhựa” vào năm 2018. Qua 15 năm, các sáng kiến như phục hồi san hô cứng, kiểm soát rác thải, và chuyển đổi sinh kế đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một môi trường sống trong lành. Sáng kiến phục hồi san hô cứng với hơn 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã tạo nên môi trường sống mới cho các loài sinh vật biển, đồng thời giảm áp lực lên các rạn san hô tự nhiên. Điều này không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học mà còn hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu bền vững cho cộng đồng địa phương.
Hình ảnh về đa dạng sinh học Cù Lao Chàm và nỗ lực gìn giữ các giá trị tài nguyên - Nguồn ảnh: CuLaoCham MPA |
Đáng chú ý, năm 2024 đánh dấu cột mốc 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế mà còn là biểu tượng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Hội An và người dân xã đảo trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị nhân văn, và hướng tới phát triển bền vững.
Bài học kinh nghiệm cho các khu bảo tồn khác
Phú Quốc sở hữu một trong những khu bảo tồn biển quan trọng của Việt Nam, cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững. Theo đại diện Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc, dù có tiềm năng lớn với diện tích hơn 40.000 ha và hệ sinh thái phong phú, khu vực này vẫn thiếu các cơ chế rõ ràng về chi trả dịch vụ hệ sinh thái và các hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ du lịch sinh thái. Tổng diện tích khu bảo tồn biển chưa được đánh dấu ranh giới rõ ràng, khiến việc quản lý trở nên khó khăn. Hạ tầng cơ bản như phao neo tàu thuyền, phân khu chức năng, và cơ sở vật chất phục vụ du lịch vẫn còn thiếu. Hiện nay Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân khó tiếp cận quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Đáng nói, việc khai thác du lịch đại chúng đang đặt áp lực lớn lên hệ sinh thái biển Phú Quốc, dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi tự nhiên. Các bài học từ Cù Lao Chàm về việc kiểm soát rác thải, phục hồi sinh thái, và phát triển du lịch sinh thái có thể là giải pháp thiết thực để Phú Quốc và các khu bảo tồn biển khác vượt qua khó khăn. Việc định hướng rõ ràng, đầu tư cơ sở hạ tầng, và xây dựng cơ chế hợp tác công tư là những yếu tố cần thiết để các KBTB phát huy tối đa tiềm năng du lịch bền vững.
Ảnh: Vệ sinh rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc |
Du lịch bền vững tại các khu bảo tồn biển không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển. TS. Nguyễn Văn Hoàng từ Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh rằng để du lịch bền vững thực sự hiệu quả, các khu bảo tồn biển cần được đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ bổ sung, đến nguồn nhân lực.
Hơn nữa, du lịch bền vững phải đảm bảo bốn yếu tố: sinh thái, xã hội, văn hóa, và kinh tế. Cụ thể, về mặt sinh thái, hoạt động du lịch cần hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và tái tạo hệ sinh thái tự nhiên. Mặt khác, du lịch bền vững về mặt xã hội đòi hỏi giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương, phát triển các loại hình du lịch hài hòa với đời sống dân cư và tránh xung đột giữa người dân và du khách.Về văn hóa, du lịch tại các khu bảo tồn biển phải tôn trọng và giữ gìn nét đặc trưng văn hóa địa phương, tránh sự đồng hóa hay xung đột văn hóa giữa du khách và cộng đồng bản địa. Cuối cùng, về kinh tế, du lịch bền vững cần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, giúp họ chuyển đổi sinh kế từ khai thác tài nguyên sang các hoạt động thân thiện hơn với môi trường.
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh rằng để phát triển du lịch bền vững tại các khu bảo tồn biển, cần đánh giá đúng sức hấp dẫn tự nhiên và văn hóa của từng khu vực. Điều này phải đi đôi với việc đầu tư bài bản vào cơ sở hạ tầng cơ bản, nguồn lực, và các điều kiện cần thiết để thu hút và phục vụ du khách. Ông cũng đề xuất việc tìm kiếm các sinh kế thay thế, phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo tồn. Đồng thời, cần tính toán sức chứa tối đa của các khu bảo tồn biển để tránh tình trạng quá tải, đặc biệt cần kiên quyết “nói không” với du lịch đại chúng, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và duy trì tính bền vững lâu dài.
12 KBTB đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm: khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận; Phú Quốc/Kiên Giang (KBTB Phú Quốc hiện nay đã sát nhập vào VQG Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần/Quảng Ninh (gộp 02 KBTB Cô Tô và Đảo Trần thành một KBTB Cô Tô – Đảo Trần); Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu.