Ngành chè Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD

Mạnh Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trong năm 2022, ước tính doanh thu từ các sản phẩm chè ở tỉnh Thái Nguyên đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, tương đương gần nửa tỷ đô la Mỹ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đảm bảo chất lượng các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử là con đường để ngành chè Thái Nguyên vươn tới mục tiêu đạt doanh thu một tỷ đô la Mỹ trong thời gian tới.

Thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên chính là các sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ khi chè Thái Nguyên được áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu chế biến từ các giống chè có năng suất cao, quy trình chăm sóc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, giá bán đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân làm nghề chè.

Ngành chè Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD - ảnh 1Ngành chè Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD. Ảnh: VOV

Chè đạt chứng nhận OCOP chứng minh cho sản phẩm sạch và được quản lý chất lượng theo quy trình chuẩn an toàn tức là được cấp giấy thông hành để cung cấp ra thị trường. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những sản phẩm không đạt chuẩn đang được tỉnh Thái Nguyên thắt chặt.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Duy trì chất lượng sản phẩm OCOP chính là bài toán thách thức cho công tác quản lý. Việc các hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành các quy định đảm bảo chất lượng sẽ giúp cho các sản phẩm OCOP gia tăng giá trị, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước: “Những sản phẩm đã được chứng nhận thì chúng tôi luôn tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo chất lượng. Hiện nay các chủ thể cũng thấy những sản phẩm được chứng nhận cần được bảo vệ và sản xuất đúng theo quy định. Chủ thể cũng thấy được sản phẩm đạt chứng nhận thì đem lại lợi ích lớn, nên cũng muốn bảo vệ không bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến sản phẩm của mình.”

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn nhất Việt Nam với gần 23 nghìn ha, sản lượng đạt trên 244 nghìn tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới. Sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP dù có giá trị cao hơn so với giá trị sản phẩm chè thông thường (khoảng 12.000 USD/hecta), nhưng diện tích chè theo tiêu chuẩn OCOP mới đạt gần 10% diện tích trồng chè trên toàn tỉnh. Do đó, tổng giá trị của ngành chè Thái Nguyên hiện còn rất thấp.

Ngành chè Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD - ảnh 2Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Cùng với đó, việc liên kết giữa các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng chè tự chế biến và tiêu thụ. Số doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều, chưa tạo được sản lượng lớn chế biến chất lượng cao.  Mặc dù được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng chè Thái Nguyên chủ yếu vẫn dưới dạng nguyên liệu, giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá bán trên thị trường thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên, để xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường các nước thì phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, kiểm soát quá trình canh tác và thu hái của các doanh nghiệp: “Đối với các chủ thể OCOP mong muốn nhất được quảng bá sản phẩm trên thị trường lớn hơn. Đây là các sản phẩm họ tâm huyết đạt OCOP. Mong muốn được quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cũng muốn mở rộng vùng nguyên liệu để duy trì, nâng cấp chất lượng sản phẩm tốt hơn nữa.”

Để ngành chè đạt được mục tiêu doanh thu 1 tỷ đô la trong thời gian tới, Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm chè. Đến nay, các sản phẩm đã được nâng tầm, đa dạng về mẫu mã, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều chương trình tập huấn hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập thương mại điện tử trên nền tảng số, áp dụng các mô hình kinh tế số, kết hợp Livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Chúng tôi đang từng bước đẩy mạnh thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội. Trong tháng 2 này chúng tôi sẽ ký hợp tác với Tik tok, cùng với Viettel post và các mạng xã hội khác để xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP.”

Hình thành chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được khép kín từ các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia, hướng tới xuất khẩu, đang là hướng đi của ngành chè Thái Nguyên với quyết tâm đạt doanh thu 1 tỷ USD trong thời gian sớm nhất./

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu