Xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế

Vân - Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng của GDP quý I là khu vực công nghiệp và xây dựng.

Ngày 29/3, Tổng cục thống kê Việt Nam (Bộ kế hoạch và đầu tư) công bố con số tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả.

Xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế - ảnh 1Quang cảnh cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2022, ngày 29/3, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Kết thúc kỳ thống kê quý I/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ 2 năm trước. Con số này cho thấy, xu hướng phục hồi tích cực hơn của nền kinh tế sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng của GDP quý I là khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng gần 7,8% so với cùng kỳ năm trước, điển hình là ngành dệt may có mức tăng nổi bật nhất. Bà Phí Thị Phương Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, cho biết: “Nhóm ngành sản xuất trang phục đã tăng tới 21,4% so với cùng kỳ và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong ngành chế biến chế tạo”.

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý 1 năm 2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1/2022 như: hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; ngành vận tải, kho bãi; ngành bán buôn và bán lẻ.

Xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế - ảnh 2Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng gần 7,8% so với cùng kỳ năm trước, điển hình là ngành dệt may có mức tăng nổi bật nhất. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Xuất khẩu trong quý I/2022 ghi dấu ấn với 15 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điều này cho thấy những nỗ lực vượt qua khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí về vận tải và chi phí logistics cao trên toàn cầu. Nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đã kín đơn hàng. Tính chung quý 1/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 800 triệu USD.

Trong khi đó, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I khá thấp (1,92%), Việt Nam đã vượt qua bão giá của khu vực và thế giới. Lạm phát dù có áp lực nhưng vẫn được kiểm soát thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2017 - 2020.  Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho rằng: “Lương thực thực phẩm của Việt Nam chiếm tới khoảng 28% trong rổ hàng hóa. Cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam luôn được đảm bảo. Nguồn cung của chúng ta cho các mặt hàng thiết yếu , cho lương thực thực phẩm rất dồi dào và nó đáp ứng nhu cầu của người dân nên về cơ bản giá cả ổn định trong thời gian vừa qua”.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các hoạt động kinh doanh bình thường đang trở lại mạnh mẽ. Nổi bật là con số hơn 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là con số kỷ lục về doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I từ trước đến nay, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.        

Thành quả từ sự đồng lòng vượt khó

Trong bức tranh sáng màu của kinh tế Việt Nam, có tác động không nhỏ của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Chính phủ đang rốt ráo thực hiện. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các giải pháp sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý như gói cấp bù lãi suất 2%, gói gia hạn nộp một số loại thuế, phí...  Việc thực thi bắt đầu ngay sau khi ban hành. Việc tuân thủ tính thống nhất trong các giải pháp phòng chống dịch ở các bộ, ngành, địa phương cũng rất rõ. Những yếu tố này là những điều kiện thuận lợi, tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, gói hỗ trợ của Chính phủ tạo tổng cầu mạnh và niềm tin vào nền kinh tế trên đà phục hồi thúc đẩy cả đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư công có khả năng có chuyển biến quan trọng tạo sức lan tỏa mạnh. Doanh nghiệp thành lập mới tăng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm thì đánh giá: “Về chính sách, các bộ, ngành, Chính phủ đã khẩn trương xây dựng những chính sách rất phù hợp, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Chẳng hạn, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, một loạt gói hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt: gói cấp bù lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó cần được khẩn trương thực hiện linh hoạt trong bối cảnh mới. Chúng ta đã giảm 2% thuế VAT, rất hay rồi nhưng cần có nhiều giải pháp thêm nữa để kích cầu trong nước”.

Sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi. Đây là động lực để các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục vượt qua thách thức trong thời gian tới, đưa kinh tế đất nước phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu