Thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức cho các startup Việt Nam

Phong Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với khả năng nắm bắt công nghệ thông tin khá nhanh, nên có thể thích ứng nhanh và mạnh đối với lĩnh vực này.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử phát triển như một điều tất yếu để đáp ứng sự dịch chuyển này. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam để tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức cho các startup Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: ictvietnam.vn
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang có những biến chuyển tích cực. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, thương mại điện tử đang càng phát huy được những ưu thế của nền tảng mua sắm trực tuyến thông minh và tiện ích. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ với khả năng nắm bắt công nghệ thông tin khá nhanh bởi vậy thị trường Việt Nam có thể thích ứng nhanh và mạnh đối với lĩnh vực này.

TMĐT phát triển mạnh mẽ sẽ mở ra cho các startup Việt Nam nhiều cơ hội mới. Ông Nguyễn Đồng Hà, Giám đốc Marketing, Tập đoàn Vietchem, cho rằng: Bên cạnh giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ giao dịch giữa các bên, TMĐT còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng, đối tác.  

Ông Nguyễn Đồng Hà nhận định: "Tham gia vào sàn TMĐT xuyên biên giới còn giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định về chiến lược, định hướng cho sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm của mình một cách nhanh chóng, đơn giản. Các startup nhỏ, đặc biệt là các startup công nghệ có thể tập trung vào những điểm mạnh của mình như công nghệ thông tin, công nghệ số, khả năng thấu hiểu khách hàng... để tham gia thiết lập hạ tầng hỗ trợ người dùng trong việc gia tăng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hay kết hợp với những doanh nghiệp lớn để phát triển các dịch vụ xuyên biên giới hoặc dịch vụ logistics TMĐT nhằm tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm của khách hàng".

Việt Nam hiện đang được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng còn tiếp tục và sẽ vượt xa mốc 11,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ và tạo ra những xu hướng tiêu dùng hoàn toàn mới. Từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm qua các sàn TMĐT đã tăng mạnh. Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận với mạng Internet, trong đó, có gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm trực tuyến, 53% người dân sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng. Đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 70% tổng lượng giao dịch trên các sàn TMĐT.

Bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần BONPET Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực phụ gia thức ăn chăn nuôi, chia sẻ: Công ty từ ngày thành lập đã tận dụng các cơ hội, sự tiện lợi của các sàn TMĐT để quảng cáo, giao dịch và đưa sản phẩm đến tận tay các nhà chăn nuôi.Chúng tôi chọn lĩnh vực phụ gia thức ăn chăn nuôi với mong muốn hỗ trợ và đồng hành với các hộ chăn nuôi, trang trại cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi phục hồi lại sản xuất sau những khó khăn do đại dịch COVID-19. Sản phẩm được giới thiệu trên các gian hàng thương mại, các trang quảng cáo và sự phản hồi rất tốt… Mọi giao dịch đều online và nhanh chóng sản phẩm đến tay người chăn nuôi.

Giai đoạn bình thường mới, thương mại điện tử đã và đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế. Làm thế nào để hoạt động này tiếp tục tăng trưởng tốt, giai đoạn hậu đại dịch – là nền tảng, động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như tương lai của kinh tế số Việt Nam. Một thống kê chưa đầy đủ ghi nhận những con số kỷ lục như: số lượng đơn hàng trực tuyến chỉ trong 8 tuần cao điểm dịch bệnh tăng bằng 10 năm trước; số người làm việc trực tuyến tăng 20 lần, chỉ trong vòng 3 tháng; hình thức khám bệnh từ xa tăng 10 lần trong 15 ngày.

Thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19: Cơ hội và thách thức cho các startup Việt Nam - ảnh 2Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: congluan.vn

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: "Đây cơ hội tốt cho các doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp.Khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử là một xu hướng kinh doanh phát triển mạnh trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến. Dù chưa có thống kê chính xác về số lượng khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử nhưng nếu nhìn vào những thành công của các Startup lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy có khoảng 387 Startup được hình thành và hoạt động có những thành công nhất định. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục cùng Bộ Công Thương đặt ra những đầu bài cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Dùng năng lực, kiên thức và sự sáng tạo của mình giải quyết các bài toán đặt ra với doanh nghiệp, với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phát triển tốt đẹp nhất hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam".

Để tận dụng tối đa ưu điểm của TMĐT, các startup Việt đã và đang phát triển những tính năng độc đáo trên sàn TMĐT cũng như nghiên cứu người dùng để có cái nhìn toàn cảnh hơn và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, nâng cao tính bảo mật cho khách hàng cũng như thực hiện nghiêm túc các chính sách về an toàn thông tin, đảm bảo bảo mật thông tin cho khách hàng. Sau đại dịch COVID-19, với nhiều thách thức nhưng cũng rất nhiều lợi thế và cơ hội đang mở ra sẽ là đòn bẩy đưa TMĐT Việt Nam tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu