Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người.

Việt Nam cần sớm ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm (NAP) theo Nghị quyết của Chính phủ.
Đây là khuyến nghị được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo tham vấn "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức sáng 7/4, ở Hà Nội.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam - ảnh 1Ảnh: Quang cảnh hội thảo. Ảnh: laodongthudo.vn

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, đánh giá để hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; trên cơ sở đó cung cấp các thông tin đầu vào cho các đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cũng như các vấn đề khác có liên quan, trong đó có nâng cao nhận thức, năng lực.

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia.

Nhấn mạnh Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-25, bà Caitlin Wiesen cho rằng việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy tôn trọng quyền con người trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên tương lai của Hội đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu