Tại đây, Việt Nam tái khẳng định mong muốn đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới thông qua việc ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Việc Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế quốc tế của LHQ là chỉ dấu cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực đối thoại và hợp tác để thúc đẩy thực chất quyền con người trong nước và quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo |
Trong khuôn khổ khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 2/3/2022, phát biểu tại phiên họp cấp cao mở đầu khóa họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau; Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng từ góc độ quan điểm quốc gia, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, tham vấn tại các phiên thảo luận và đối thoại, trong đó đề cao chính sách, sự tham gia hợp tác quốc tế và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, nhấn mạnh việc thực thi nhất quán và thành tựu nổi bật của Việt Nam về đảm bảo quyền con người và các quyền con người cụ thể như quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa…; kêu gọi các quốc gia và Hội đồng Nhân quyền tăng cường hợp tác và đối thoại để thúc đẩy thực chất quyền con người trên thực tế thay vì đưa ra các chỉ trích nhằm vào các quốc gia cụ thể dựa trên các thông tin thiếu chính xác và chưa được kiểm chứng đầy đủ. Cùng với đó, đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua tại Khóa họp lần này, trong đó nổi bật là Nghị quyết về đảm bảo tiếp cận công bằng, kịp thời và toàn diện đối với vaccine ngừa COVID-19 trong ứng phó với đại dịch.
Đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam bày tỏ quan điểm và thực thi việc tăng cường hợp tác, đối thoại quốc tế nhằm tăng hiểu biết và thúc đẩy nhân quyền thực chất ở trong nước và trên bình diện quốc tế. Với chủ trương "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", từ trước đến nay, Việt Nam luôn chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác quốc tế về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn song phương, đa phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng liên quan đến nhân quyền như Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1966); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1969); Công ước về Quyền Trẻ em (1989) và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về Quyền của người khuyết tật (2006); Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải v.v.
Trong nỗ lực mới nhất cùng LHQ thúc đẩy nhân quyền thực chất ở trong nước và quốc tế, ngày 31/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ và thông tin về ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Báo cáo giữa kỳ tự nguyện đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào ngày 22/3/2022 để công bố và gửi tới Hội đồng Nhân quyền LHQ. Báo cáo đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Trong quá trình ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để duy trì các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, củng cố hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số; tiếp tục đề xuất Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu cùng với các thành viên khác của các nhóm nòng cốt; đóng góp cho nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền trong lĩnh vực quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19; thúc đẩy quyền được làm việc tử tế để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Thúc đẩy đào tạo, giáo dục về quyền con người cũng là một vị trí ưu tiên của Việt Nam khi tham gia và hợp tác với các nước tại Hội đồng Nhân quyền.
Như vậy, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền nhằm củng cố vài trò của Hội đồng Nhân quyền như một cơ chế quan trọng nhất của LHQ trong việc xử lý các vấn đề về quyền con người. Trong đó, Việt Nam coi trọng hợp tác với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền và coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Việc đối thoại và hợp tác quốc tế tại các cơ chế LHQ và các quốc gia cũng được Việt Nam coi trọng để thúc đẩy thực chất quyền con người ở từng quốc gia và trên toàn thế giới./.