Hà Nam là địa phương có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng các sản phẩm du lịch phong phú, nhờ đó, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Những năm gần đây, để bắt nhịp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Du lịch tỉnh tích cực ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến phát triển du lịch thông minh để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Qua đó, quảng bá hình ảnh của Hà Nam đến du khách, xây dựng Hà Nam là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Website dulichhanam.vn được đưa vào hoạt động từ năm 2009 đến nay là 1 trong những thành công của Hà Nam trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, xúc tiến du lịch. Tiếp đó, đến năm 2018, tỉnh Hà Nam đưa vào sử dụng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Hà Nam tại địa chỉ visithanam.vn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch của tình.
Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam). Ảnh: Báo Hà Nam |
Cổng thông tin này cung cấp các thông tin về du lịch của tỉnh, như: lịch sử, văn hoá, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các hoạt động du lịch, các chương trình, sự kiện nổi bật đang diễn ra… cùng nhiều tính năng thông minh khác, như: hỗ trợ du khách đặt phòng nhanh, tìm kiếm địa điểm bằng giọng nói, giải đáp nhanh thông tin qua chatbot, tích hợp số điện thoại đường dây nóng khi cần trợ giúp, tạo tour, lịch trình cá nhân hóa, dịch chuyển đổi ngôn ngữ, xem ảnh 360…
Thời gian qua, việc kết hợp truyền thông giữa các trang thông tin điện tử này và các nền tảng số, mạng xã hội ngày càng phát huy hiệu quả trong việc giới thiệu hình ảnh vùng đất Hà Nam đến gần hơn với du khách trong nước và nước ngoài. Để góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch, Hà Nam đã nâng cấp và sử dụng các trang thiết bị thông tin hiện đại để tuyên truyền và quảng bá rộng rãi các nguồn thông tin du lịch nhằm tăng lượng khách đến địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển du lịch là 1 trong những nội dung của chiến lược quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Hà Nam, góp phần nâng cao mức độ trải nghiệm, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Ảnh: Báo Hà Nam |
Đánh giá cao định hướng của địa phương, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng: Hà Nam là điểm đến mới nổi và đã có quá trình phát triển du lịch tốt. Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá để đưa Hà Nam đến với các thị trường nhất là thị trường quốc tế. Công tác xúc tiến quảng bá cần đặc biệt sử dụng các công nghệ mới, kết hợp với truyền hình, phim ảnh, công nghiệp văn hóa để đưa được hình ảnh Hà Nam đến với du khách.
Thời gian qua, Hà Nam đã tăng cường triển khai các hoạt động liên kết vùng, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch trên các nền tảng truyền thông xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok…), cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến khác; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch...
Hiện nay, nhiều di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được triển khai gắn mã QR như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Cát Tường (huyện Bình Lục); chùa Long Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên); đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quan Lam Hạ; danh lam thắng cảnh Chùa Bầu (thành phố Phủ Lý); Khu Du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, chùa Bà Đanh (huyện Kim Bảng)…
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các giải pháp công nghệ, ứng dụng hỗ trợ phát triển du lịch tại Chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Truyền hình Hà Nam |
Với phương thức này, khách tham quan có thể quét mã để tra cứu thông tin điểm đến và các nội dung liên qua. Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc, 1 trong những điểm du lịch nổi tiếng của địa phương, không chỉ gắn mã QR mà còn triển khai bán vé điện tử và thí điểm dịch vụ hướng dẫn viên du lịch AI, giúp du khách tiết kiệm thời gian và chi phí. Cùng với đó, Khu du lịch Tam Chúc còn có trang web tra cứu thông tin điểm đến với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, giúp du khách tìm hiểu thông tin, có thể mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa. Nhiều du khách đánh giá cao sự tiện lợi qua việc thực hiện quét mã QR bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VneID (phần mềm tích hợp tất cả những giấy tờ cá nhân của người dân trên nền tảng kỹ thuật số, giúp hạn chế các loại giấy tờ cần mang theo) khi tới chiêm bái lễ Phật, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây.
Ông Mai Quốc Đạt, Giám đốc điều hành Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, cho biết: "Đây là cách đảm bảo an ninh, an toàn tại Khu Du lịch Tam Chúc được tốt hơn. Sau khi tích hợp công nghệ sẽ thuận tiện hơn, giảm bớt nhiều quy trình thủ tục hơn cho khách khi đến tham quan, giúp rút ngắn thời gian đứng chờ xếp hàng mua vé."
Cùng với các điểm du lịch tâm linh, di tích lịch sử nổi tiếng, các làng nghề truyền thống tiêu biểu, như: Dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên), cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân), trống Đọi Tam (Tiên Sơn, Duy Tiên), sừng Đô Hai (An Lão, Bình Lục)… cũng là những điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn trong hành trình khám phá Hà Nam. Những năm gần đây, các làng nghề này cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu thế công nghệ số, mở rộng và phát triển nhiều kênh bán hàng và quảng bá hình ảnh làng nghề trên các nền tảng số.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, cho biết: "Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn về các địa phương đặc biệt là các làng nghề định hướng, hướng dẫn, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như hình ảnh về các làng nghề để xây dựng, quảng bá làng nghề trên không gian mạng. Thông qua đó, các làng nghề và các sản phẩm của làng nghề được quảng bá đến du khách thập phương."
Với những thế mạnh sẵn có cùng những sáng tạo, đổi mới trong tư duy làm du lịch, tỉnh Hà Nam hy vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu chuyển đổi số trong du lịch, hướng đến phát triển du lịch thông minh; trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong tương lai gần.