Dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2019 từ 3,17 – 3,41%

Chia sẻ
(VOV5) -Với kịch bản này, CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.

Ngày 03/07, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2019.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá của Việt Nam như: biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi…

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định…

Dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2019 từ 3,17 – 3,41% - ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.T 

Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,17 – 3,41%. Với kịch bản này, CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện theo lộ trình giá thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt cùng một thời điểm, tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát năm 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu